Gần 2 năm nay, mình hạn chế và gần như loại bỏ “thịt” ra khỏi thực đơn ăn uống hàng ngày. Mình tăng lượng rau củ quả, các loại ngũ cốc, bổ sung thêm một ít đạm từ trứng, cá và các loại tôm nhỏ.
Vì sao mình không ăn thịt?
Chưa bao giờ mình bị áp lực chuyện ăn chay hay không ăn thịt vì lý do a,b,c nào đó; đơn giản là mình dần dần thích ăn rau củ hơn. Nếu ai đó hỏi mình, vì sao mình quyết định không ăn thịt? Câu trả lời chắc sẽ nhạt nhẽo vầy thôi: Một ngày đẹp trời nọ, tự dưng mình nhìn thấy thịt thì chán ngấy, thế là không ăn nữa!
Bên cạnh đó, lý do của mình một phần chắc cũng như câu trả lời của bé gái 3 tuổi này thôi.
Girl: I don’t want to eat meat ever.
Mom: So what will you eat instead?
Girl: I’ll eat anything on the table, but not chicken or meat.
Mom: Why do you think you don’t want to do that?
Girl: Because I like animal.
Mình hay nói với bạn chồng của mình, mai mốt có nhà, mình sẽ trồng rau, nuôi gà nha. Gà của mình nuôi chỉ cần đẻ trứng cho mình ăn thôi, còn lại mình sẽ nuôi chúng sống hạnh phúc đến hết đời… gà.
Nhân tố enzyme – một cuốn sách nên đọc nếu quan tâm đến chuyện ăn uống
Nếu bạn tìm hiểu về ăn uống chắc chắn đã từng biết qua bộ 4 cuốn sách khá nổi tiếng có tựa “Nhân tố enzyme” của tác giả, bác sĩ người Nhật – Hiromi Shinya, nói về tầm quan trọng của việc ăn uống khoa học, duy trì thói quen lành mạnh; từ đó cơ thể khỏe mạnh, gia tăng tuổi thọ. Mấy chục năm qua, Nhật Bản luôn là quốc gia có tuổi thọ trung bình nằm trong top cao nhất thế giới. Dữ liệu năm 2020 chỉ ra rằng trung bình một người phụ nữ Nhật sống tới 87,45 năm, còn tuổi thọ trung bình của đàn ông Nhật là 81,41 năm. Cứ mỗi 1.500 người Nhật hiện có gần 1 người sống ít nhất đến 100 tuổi. Tất cả đều chia sẻ việc sống khỏe mạnh và trường thọ phụ thuộc nhiều từ việc ăn uống và các thói quen lành mạnh.
Trong cuốn “Nhân tố enzyme”, tác giả cung cấp những kiến thức, thói quen ăn uống cực kỳ quen thuộc và dễ ứng dụng thực tế. Theo đó, bác sĩ Hiromi Shinya cho rằng bữa ăn nên chia theo tỉ lệ 85:15. Trong đó 85% khẩu phần ăn được làm từ thực vật (50% ngũ cốc, các loại hạt, đỗ và 35% rau, củ, quả), 15% là protein động vật (trứng, cá, lượng ít thịt gia súc, gia cầm). Có kiến thức mình áp dụng về sau được, nhưng cũng có kiến thức mình đọc biết để đó vậy thôi, chứ hổng thực thi theo được. Chẳng hạn như bảo ngưng uống cafe, bỏ hẳn bia bọt là chịu nè! Nhưng đọc để lọc ra, cái nào biết mà làm theo được thì tốt hơn, bù qua cho mấy cái còn lại. hì hì
Mà nói chứ mình có ý nghĩ không ăn thịt trước khi đọc về những cuốn sách này. Và từ khi quan tâm hơn đến chuyện “hôm nay ăn gì”, càng tìm hiểu, mình càng tin nếu giảm bớt các lượng thịt, thậm chí ăn thuần chay, bạn vẫn có thể bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể thông qua các loại hạt, ngũ cốc, rau củ quả. Chỉ là đôi khi cái kiến thức “phải ăn đủ thịt, trứng, sữa” đã ngấm sâu vào trong suy nghĩ của mỗi người, trở thành thói quen khó lòng thay đổi.
Mình cũng không cổ súy cho việc bạn phải nhất nhất tuân theo một công thức chuẩn nào đó, phải ăn thuần chay hay thực dưỡng hay ăn theo chế độ eat clean… Mình nghĩ hãy cứ để cơ thể có cơ hội trải nghiệm và lên tiếng, rồi bạn sẽ tìm ra câu trả lời đâu là thực đơn tốt nhất cho chính bản thân mình!
Bỗng dưng không ăn thịt… rồi có thèm không?
Câu trả lời là: “Có”.
Nhưng đó chỉ là thời gian đầu.
Vì mình không đặt bất kì áp lực nào cho bản thân nên chuyện “không ăn thịt” của mình diễn ra rất nhẹ nhàng. Mình vẫn cho phép bản thân “thèm thì ăn”, nhưng đừng sa đà, lạm dụng. Ví dụ mình tự đặt ra nguyên tắc, nếu nấu ăn ở nhà thì “nói không với thịt”, không mua bất cứ loại thịt nào trong việc nấu nướng các bữa ăn hàng ngày. Nhưng nếu cuối tuần ăn ngoài với bạn bè thì vẫn có thể ăn thịt như thường. Hoặc lúc nổi hứng “thèm dĩa cơm sườn”, muốn “ăn cơm gà”, mình vẫn ăn. Nhưng số bữa ăn có thịt chỉ giới hạn chiếm tối đa 10 – 20% tổng các bữa ăn của mình mà thôi.
Mình biết có nhiều bạn “cuồng thịt cá”, bỗng một ngày quyết định detox cơ thể cắt hẳn thịt cá ra khỏi khẩu phần luôn; cuối cùng trong khi ăn thứ này thì đầu óc quay cuồng nghĩ suy về món khác. Lỡ miệng ăn món khác thì bắt đầu day dứt khó chịu, tự trách bản thân. (Nếu bạn có tham gia các group eat clean sẽ dễ dàng bắt gặp các status như: Em đang ăn theo chế độ eat clean 1 tuần mà hôm nay thèm trà sữa quá, lỡ nốc một ly size L nhiều trân châu thì có sao không các anh chị!…) Ăn uống mà bứt rứt tội lỗi vầy hổng được hay chút nào, mà duy trì như thế cũng khó bền lâu!
Cho nên cách tốt nhất khi bạn muốn thay đổi một chế độ ăn mới, cứ thay đổi từ từ thôi sẽ hiệu quả hơn. Với mình, chuyện ăn uống vẫn luôn là một thú vui, nếu ăn mà không vui thì sẽ chán lắm lắm!
Ăn uống là niềm vui nên mình còn làm vài món ăn chay trên kênh youtube của mình nè, mấy bạn rảnh nghía xem, sẵn tiện đăng ký ủng hộ mình hen.
Bữa ăn không thịt đã giúp mình thay đổi ra sao?
Dù đã khá lâu bữa ăn không có thịt, nhưng mình không còn cảm giác thèm như thời gian đầu nữa. Nếu có vô tình đi ngang qua tiệm sườn nướng hay gà quay thơm phức, mình vẫn chẳng hề ngoái nhìn hay nuốt nước bọt cái ực như trước. ahihi
Những bữa cơm gần đây vẫn có cá, tôm nhưng các thành phần này cũng dần giảm bớt trong khẩu phần ăn hàng ngày của tụi mình. Thay vào đó, mình ăn nhiều rau xanh, củ quả hơn. À, chia sẻ nhỏ là hồi bé mình cực kì kén ăn rau, gần như không biết ăn bất kỳ loại rau nào cho đến khi vào Đại học. (sinh viên mà, kén gì nữa). Còn bây giờ, mình ăn rau giống như đang ăn bù lại thời thơ ấu của mình vậy! hihi
Và mình nhận ra, từ khi hạn chế và bỏ dần thịt ra khỏi các bữa ăn hàng ngày, mình có những biến chuyển cực kỳ tích cực trong cơ thể, thử liệt kê ra nè:
1. Tiêu hóa tốt, ít bị táo bón hơn:
À, mình đã nói chuyện mình gần như không ăn rau hồi nhỏ rồi đúng không, đó có thể là lý do quan trọng khiến mình thường xuyên bị táo bón, mỗi lần đi tiêu đều khó khăn hơn người khác.
Mình cực kỳ stress mỗi lần đi du lịch, dưới tác động của môi trường và đồ ăn lạ… mình bị táo bón nặng hơn những bạn bè đi cùng, mỗi ngày đều cần hũ sữa chua hoặc yakult để cái bụng nhẹ nhõm hơn. Mình nhớ nhất là cái đợt đi Nepal, mỗi người ngày nào cũng có thể đi tiêu được, hoặc cùng lắm là 2-3 ngày; riêng mình thì leo trèo ăn uống mãi mà 7 ngày vẫn chưa đi được lần nào. Mà bạn biết đó, đi trekking mà bị táo bón thì nặng bụng khó chịu dã man tợn, dù đã xin thuốc uống nhưng tình trạng vẫn khá thảm! hic hic nhớ lại vẫn thấy nặng bụng!
Nhưng từ khi chuyển sang chế độ không thịt, ít cá, nhiều rau, cơ thể của mình nhẹ nhàng hơn hẳn, gần như không bị táo bón nữa!
2. Móng tay, tóc,… mọc nhanh hơn
Lúc trước, móng tay mình cực kỳ dễ gãy và lâu mọc, chẳng bao giờ để dài để sơn móng được như bạn bè. Cứ vừa mọc được một chút thì lại ngứa tay bẻ luôn. Một phần vì tay chân táy máy, phần vì móng mỏng đụng phát là gãy. Thế nhưng bây giờ, cứ mỗi 1 tuần mình lại thấy móng tay mọc dài hơn trông thấy. Do thói quen gõ máy tính nhiều, mình chỉ để móng chút xíu vừa đủ chứ cũng không dưỡng dài. Nhưng mình có thể khẳng định tốc độ mọc móng nhanh hơn rất nhiều so với trước kia, độ cứng của móng cũng cải thiện rõ rệt. Ngay cả bạn chồng mình (ăn cùng chế độ) cũng như thế. Tuần nào hai vợ chồng cũng rủ nhau… cắt móng tay!
Vnexpress từng đăng thế này: “Sự phát triển của móng tay phụ thuộc phần lớn vào chiều dài ngón tay (ngón tay dài hơn có mức tăng trưởng móng nhanh hơn), dinh dưỡng (ăn kiêng và khẩu phần protein thấp sẽ khiến móng tay mọc chậm), tuổi tác (người dưới 30 tuổi có mức độ mọc móng tay nhanh hơn), và mùa (móng tay phát triển nhanh nhất trong mùa hè).” Vì thế nếu thiếu dinh dưỡng thì không thể nào móng tay lại mọc nhanh và cứng cáp hơn được!
À, ngoài móng tay ra thì tóc mình cũng mọc nhanh và nhiều hơn trước. Dù ngày nào cũng có tóc rụng (vì mình nuôi tóc dài 1,5 năm rồi, tóc dài dễ rụng hơn) nhưng tóc con thì cứ đua nhau mọc ngược mọc xuôi đầy đầu. Đó là lý do lúc nào mình cũng phải dùng khăn turban hoặc cài tóc. (không chịu được cảnh phè phè tóc ngay mắt).
3. Ít đau ốm vặt
Có nhiều thứ tác động đến sức khỏe của bạn bao gồm chuyện ăn uống, công việc, các thói quen sinh hoạt hàng ngày…
Mình chỉ thấy thời gian tầm 2 năm trở lại đây, mình gần như rất hiếm đau ốm vặt. Thỉnh thoảng trời nắng mưa thất thường có mệt trong người, nhưng nhồi cam chanh mật ong vào thêm thì hôm sau bắt đầu khỏe lại.
4. Hiền hơn
Ủa liên quan gì? Thì ăn nhiều thực vật riết rồi tính tình cũng hiền như cây cỏ. Người ta có câu “You’re what you eat” đó thôi!
Đùa chứ, từ lúc chuyển ra Hội An, Đà Nẵng sống, bắt đầu không ăn thịt và duy trì vài thói quen lành mạnh hơn chút xíu, (mặc dù tự nhận thấy mình vẫn còn lười lắm), mình cảm nhận tâm hồn rộng mở hơn, bớt cáu gắt, bực dọc hơn dù phải ở trong nhà thường xuyên vì ảnh hưởng của dịch Covid. Nói chung ăn thực vật nhiều sẽ giúp cơ thể nhẹ nhàng, da dẻ đẹp hơn, tinh thần phấn chấn, yêu đời, yêu thiên nhiên hơn!
Đà Nẵng giãn cách đã tròn một tháng, có bận lười đi chợ quá (vì đi chợ phải có phiếu theo ngày) nên trong nhà có gì ăn đấy, nguyên tuần dài chỉ toàn rau, củ, nấm, đậu phụ… Vậy mà tụi mình đều ăn ngon lành hết sức!
Có khi vài ba năm nữa, rồi tụi mình chuyển sang ăn thuần chay hồi nào hổng hay!
Biên nhanh vài tips mình đã áp dụng khi chuyển sang chế độ “không ăn thịt” nha, mấy bạn tham khảo chơi!
1. Không bỏ cái rụp thói quen cũ ngay từ đầu, chỉ giảm dần lượng thịt theo từng tháng.
2. Bỏ các loại thịt đỏ (heo, bò) trước, vẫn ăn một ít thịt gà.
3. Bỏ hẳn thịt trong nấu ăn hàng ngày, thay thịt bằng hải sản (chọn các loại cá nhỏ, tôm nhỏ sẽ tốt hơn).
4. Tập nấu đa dạng nhiều món ăn (ngoài ăn cơm thì nghiên cứu bún, phở, miến, nui, cà ri rau củ, ngon lém), mua thêm các loại ngũ cốc, hạt để ăn các bữa lỡ, chiều xế. (Như mình hay mua yến mạch, hạt chia, hạt điều…)
5. Mỗi ngày tự hỏi: Hôm nay mình đã ăn trái cây gì? Ăn trái cây, uống sinh tố, nước ép luôn luôn tốt. Nhất định phải nhớ bổ sung mỗi ngày. Nên chọn mùa nào thức ấy, vừa tươi vừa rẻ.
6. Ăn uống theo 90 : 10 (hoặc 85 : 15 cũng tốt rồi), tức 90% theo nguyên tắc của mình, 10% còn lại cứ xả láng đi, thích gì ăn nấy hông sao đâu, bởi ăn uống là phải vui!
7. Nấu ăn tại nhà: Ra ngoài ăn quán hay order đồ chế biến sẵn là đồng nghĩa giao sức khỏe của mình cho người khác rồi; vậy nên nhất định phải nấu ăn ở nhà nha. Thời nay máy móc hỗ trợ cho việc nấu ăn cũng nhiều lắm rồi, nấu ăn giờ đơn giản và mau lẹ cực kỳ, nhanh thì 15 – 20 phút, chậm thì 30 – 45 phút là xong một bữa ăn 2 – 3 món chuẩn cơm nhà nấu thơm ngon dinh dưỡng. 20 tuổi mình mới biết vo gạo nấu cơm, mà giờ vẫn nấu được ngon lành cành đào; thì chắc chắn ai cũng nấu được nha!
Mà nói chung bên cạnh chuyện ăn uống, nhớ tập thể dục thể thao, ngủ sớm hen. Chúc các bạn sẽ chọn được chế độ ăn phù hợp với bản thân mình, luôn xinh đẹp và tràn đầy sức khỏe để chiến đấu trong mùa dịch này!
Việt Nam chiến thắng! Yeahhh