Site icon homongtien.com

Người chấp bút – P3: Nguyên tắc “3 không” khi viết tự truyện

nguoi-chap-but

Làm sao để công việc viết sách diễn ra suôn sẻ, chuyên nghiệp, truyền tải được câu chuyện mà nhân vật đã trải qua? Mỗi một người viết sẽ có những nguyên tắc của riêng mình, nhưng sau đây, tôi xin chia sẻ 3 nguyên tắc tôi luôn luôn tuân thủ trước – trong – sau quá trình thực hiện công việc và vẫn luôn áp dụng cho tới thời điểm hiện tại.

Nguyên tắc 1: Không phán xét

Người viết lách nói chung thường có xúc cảm mạnh mẽ với những quan điểm, lập trường rất khó thay đổi. Chính vì có cảm xúc nhiều hơn người khác, người viết dễ bị “mắc kẹt” trong những quan điểm riêng của mình, dẫn đến việc “chẳng thể nào hiểu nổi” những suy nghĩ, hành động của nhân vật trong quá khứ và hiện tại. Và tệ hại hơn, người viết bắt đầu hình thành suy nghĩ “phán xét”, ngầm chê bai, phản bác những ý kiến của nhân vật ngay trong quá trình phỏng vấn. Thật không thể tưởng tượng, một cuốn sách sẽ ra sao nếu người viết áp đặt những quan điểm cá nhân để tái hiện cuộc đời của người khác! Đừng cố viết nếu chưa thể “cảm” được nhân vật.

Vậy thế nào là một tự truyện thành công? Với riêng cá nhân tôi, cuốn tự truyện được xem là thành công, tiêu chí đầu tiên là khi nhân vật đọc sẽ thấy được chính họ trong từng trang sách. Họ phải nhìn thấy con người họ, cuộc đời họ trong chính cuốn sách viết về họ.

Và để làm được như thế, một người viết chuyên nghiệp phải nhớ không được phán xét, kể cả trong suy nghĩ. Hãy trò chuyện với nhân vật bằng tất cả lòng tôn trọng, tiếp nhận các thông tin một cách khách quan, từ đó thấu hiểu và lý giải được vì sao nhân vật có những quyết định, hành động như thế. Nhân vật đa phần chỉ cung cấp thông tin, diễn biến, kết quả sự việc nhưng họ lại gặp khó khăn để diễn tả được cảm xúc, suy nghĩ của chính họ ở từng thời điểm cụ thể trong cuộc đời. Hoặc nếu có, họ chỉ dùng những từ chung chung: buồn, vui, tự hào, xúc động… Do đó, công việc của người chấp bút chính là đặt mình vào trong hoàn cảnh của nhân vật để cảm nhận tận cùng nỗi đau, trọn vẹn niềm vui của nhân vật, sau đó giúp họ diễn tả lại tất cả điều đó bằng ngôn từ trong cuốn sách.

Và tôi phải nhắc lại nguyên tắc rất rất quan trọng, đừng phán xét. Dù là viết bài phỏng vấn ngắn hay viết sách tự truyện, hồi ký, đều bắt buộc phải nhớ kĩ điều này!

Nguyên tắc 2: Không tiết lộ bí mật của nhân vật cho bất kì ai với bất kì hình thức, lý do nào

Nguyên tắc bí mật cũng chính là đạo đức nghề nghiệp của người viết lách mà tôi luôn nhắc nhở bản thân đừng bao giờ quên, dù vô tình hay cố ý. 

Tự truyện về cuộc đời nhưng tất nhiên, phàm ở đời ai cũng có những bí mật đâu thể phơi bày cho tất cả mọi người. Những bí mật đó, đôi khi khiến họ quá xấu hổ để nhắc lại, hoặc cũng có bí mật mà nếu công bố sẽ ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của một cá nhân nào đó nên nhân vật quyết định giữ lại cho riêng mình. Người chấp bút tuy được nghe tất cả chi tiết đó trong quá trình phỏng vấn và khai thác câu chuyện nhưng cần hiểu rõ ranh giới chuyện nào được phép/nên viết và những chuyện nào quá nhạy cảm để cần được giữ kín. 

Tôi từng phỏng vấn hàng giờ đồng hồ trong nhiều buổi để khai thác tất cả câu chuyện, khía cạnh cuộc sống của nhân vật. Có những câu chuyện tôi phải hỏi đi hỏi lại vì thấy nhiều chi tiết còn lợn cợn, nhân vật như cố tình giấu đi vài điểm then chốt mà nếu thiếu nó, tôi sẽ chẳng thể hiểu nổi những diễn biến tiếp theo. Bằng nghiệp vụ phỏng vấn và tạo sự tin tưởng, cuối cùng tôi cũng được nghe nhân vật kể lại tường tận, và tôi hiểu vì sao họ lại không muốn nhắc đến ở lần hỏi chuyện trước. Tôi hỏi nhiều, tôi hỏi cặn kẽ đến nỗi mà kết thúc buổi phỏng vấn hôm đó, nhân vật đã hỏi tôi thế này:

– “Phải kể chi tiết đến vậy luôn sao?”

Đúng thế, càng biết chi tiết, tôi càng dễ hình dung ra hoàn cảnh, cảm xúc của nhân vật lúc đó. Nhưng tôi luôn cẩn trọng khi chọn lọc các chi tiết cần thiết để đưa vào cuốn sách. Có chi tiết, nhân vật chủ động đề nghị tôi đừng viết vào. Và cũng có chi tiết, tôi góp ý cho nhân vật nên lược bỏ chúng đi vì nhiều lý do khác nhau. 

Thế cho nên, người viết chuyên nghiệp là người sẽ biết cách quên đi những bí mật đó khi hợp đồng công việc kết thúc. Đừng nhắc lại, kể ra những bí mật của nhân vật với bất kì ai, dù bất kì hình thức nào.  

Nguyên tắc 3: Không cố tình làm thân

Bạn cần phải hiểu, việc chấp bút, viết sách là một công việc; và nhân vật mà bạn viết, cũng là một phần phải có trong công việc này. 

Nhân vật chia sẻ cho bạn nghe tất cả những câu chuyện trong đời sống cá nhân, cuộc sống, công việc của họ để phục vụ công việc viết sách, hoàn toàn không bắt nguồn từ mối quan hệ bạn bè hay một mối quan hệ xã hội thân tình nào khác. 

Tôi biết, hầu hết những người có nhu cầu viết sách, tự truyện đều là những người có kinh tế đã ổn định, thành đạt và có chút tiếng tăm trong xã hội. Nếu bạn là người viết chuyên nghiệp, hãy ý thức rõ khi công việc kết thúc, cả nhân vật và bạn cần quay trở lại với cuộc sống như trước. Bạn không nên cố tình làm thân, nhắn tin, trò chuyện riêng sau khi công việc kết thúc vì những mục đích vụ lợi cá nhân. Hãy tách bạch đâu là công việc và đâu là những mối quan hệ bạn bè.

Nếu không có mục đích vụ lợi cá nhân mà bạn thật sự xem nhân vật là bạn bè sau mấy tháng ròng rã trò chuyện, phỏng vấn viết sách thì sao? Vẫn có trường hợp như thế nếu bạn và nhân vật thật sự đồng điệu về tâm hồn, trùng khớp về quan điểm sống và nhiều thứ. Nhưng điều đó rất hiếm, và nó chưa xảy ra với cá nhân tôi.

Bạn hãy tưởng tượng, khi viết sách cho nhân vật, bạn phải tạm thời chấp nhận những quan điểm của nhân vật với mục đích tái hiện cuộc đời của họ bằng góc nhìn cá nhân họ. Bạn có chắc nếu bạn chia sẻ quan điểm cá nhân của bạn, phản bác lại những quan điểm trước kia của nhân vật, hai người vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp như trước? Đó là chưa kể, nếu không tách bạch công việc, thì khi nhận viết cuốn sách tiếp theo, bạn có đảm bảo đã thoát khỏi những cảm xúc của cuốn sách trước để toàn tâm toàn ý cho dự án mới không?

Thêm một điều nữa, có nhân vật sẽ đặt bạn viết sách trực tiếp, nhưng có trường hợp bạn sẽ viết sách thông qua bên thứ ba – một người trung gian hoặc đơn vị truyền thông nào đó đặt hàng bạn. Và khi hợp đồng kết thúc mà bạn vẫn cố tình kết thân với nhân vật (khách hàng của bên thứ ba đó), thì đó bị quy vào hành vi đang lôi kéo khách hàng, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. 

Trong năm 2021, tôi đã hoàn thành 3 cuốn tự truyện về 3 nhân vật khác nhau, trong đó có một đơn vị đặt hàng tôi 2 cuốn. Tôi nghĩ lý do giúp mình đến với công việc chấp bút suôn sẻ như thế nhờ ngay từ đầu, tôi luôn tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản trên, từ đó tạo được sự tin tưởng, tôn trọng của cả khách hàng và nhân vật. 

 

Mọi vấn đề thắc mắc, đặt hàng viết sách, dịch vụ chấp bút tự truyện, hồi ký, xin vui lòng liên hệ email: homongtien.btv@gmail.com.
Rất mong hữu duyên được kết nối và chấp bút cho nhiều nhân vật truyền cảm hứng hơn nữa trong tương lai.
Exit mobile version