Trên một trang web chuyên cung cấp dịch vụ chấp bút cho doanh nhân công khai mức giá để hoàn thành một cuốn tự truyện dao động từ 60 – 550 triệu, thời gian thực hiện từ 12 – 24 tuần.
Search một vòng trên các fanpage nhận chấp bút, viết sách, viết hồi ký, có những nơi đăng mức giá tối thiểu để nhận viết là 3 triệu/1.000 chữ.
Thậm chí cách đây vài năm, một cây bút từng tuyên bố: “Nếu không có ít nhất 50 triệu, đừng nghĩ đến việc thuê người chấp bút. Thay vào đó, bạn hãy tự viết!”
Nếu bạn đăng tìm người chấp bút trên một vài group, website về content thì bạn yên tâm, có người nhận viết với giá… chỉ vài triệu đồng cho một cuốn sách vài trăm trang.
Rốt cuộc chi phí cho việc thuê dịch vụ chấp bút hiện nay là bao nhiêu, sao có chỗ lấy cao chót vót, có nơi lại thấp lè tè?
Câu chuyện giá cả trong nghề viết nói riêng và nghề sáng tạo nói chung, luôn là chủ đề có thể nói hoài nói mãi. Với riêng cá nhân tôi, trước khi báo giá “một con số” cụ thể nào đó cho gói công việc, tôi sẽ hỏi rất nhiều thông tin để nắm bắt các yêu cầu và nguyện vọng của khách hàng.
6 yếu tố ảnh hưởng đến chi phí thuê người chấp bút
Chi phí để thuê dịch vụ chấp bút phụ thuộc rất nhiều yếu tố, yêu cầu của khách hàng. Không bao giờ có con số cụ thể cho các dịch vụ sáng tạo. Từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, tôi tạm đúc kết 6 yếu tố cơ bản sẽ ảnh hưởng đến chi phí chấp bút, mời bạn cùng tham khảo.
1. Mức độ khó dễ của nhân vật
Mức độ khó dễ ở đây rộng vô cùng, chứa cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan tùy thuộc vào từng người, từng trường hợp cụ thể.
1.1 Độ tuổi và quê quán của nhân vật
Nhân vật cần chấp bút thuộc thế hệ nào, sinh năm bao nhiêu, có những nét tương đồng với người chấp bút hay không. Chẳng hạn, với một người sinh đầu những năm 9x như tôi thì việc chấp bút cho những nhân vật thuộc thế hệ 9x, 8x sẽ dễ dàng hơn nhiều so với các thế hệ 7x, 6x, 5x…
Nhân vật cần viết sách có hoàn cảnh sống, quê quán ở đâu cũng là một yếu tố quyết định đến độ “khó” hay “dễ” của công việc. Ví dụ, tôi sinh ra và lớn lên ở miền Trung, học tập và làm việc nhiều năm ở miền Nam, vì thế nếu nhân vật cũng thuộc những tỉnh miền Trung hay Nam bộ thì việc chấp bút sẽ dễ dàng hơn. Còn nếu nhân vật thuộc các tỉnh Bắc bộ thì tôi cần phải research, tìm hiểu văn hóa kĩ hơn; đồng thời chuyển đổi ngôn ngữ giọng Bắc bộ để phù hợp với ngôn từ của nhân vật.
Một số người chấp bút theo đuổi một phong cách ngôn ngữ nhất định sẽ từ chối nhận viết nếu hai bên có quá nhiều cách biệt về văn hóa địa phương. Lý do từ chối có thể vì họ e ngại sẽ khó lòng “cảm” được nhân vật, hoặc cũng có thể họ không muốn tốn quá nhiều thời gian để bắt đầu một thứ gì đó quá mới mẻ.
Cá nhân tôi không chỉ là người chấp bút mà còn là biên tập, biên kịch cho nhiều chương trình, phim ảnh cả miền Bắc lẫn miền Nam. Nhờ được cọ xát tính “khác biệt” này ngay từ những ngày đầu mới ra trường nên giờ đây, tôi có thể linh động chuyển ngữ để phù hợp với từng mục đích công việc. Bên cạnh đó, tôi mê du lịch khám phá và may mắn có dịp đặt chân đến hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam để tìm hiểu văn hóa. Thế cho nên, thách thức “khác biệt văn hóa” bao giờ cũng tạo cho tôi sự hứng thú đặc biệt. Bởi lẽ đây là cơ hội quý giá để tôi hiểu sâu hơn về một vùng miền thông qua trải nghiệm của chính người con miền đất ấy. Không chỉ riêng Việt Nam, tôi còn mong muốn được đi thật nhiều nơi trên thế giới để khám phá vẻ đẹp con người, nền văn hóa của các quốc gia.
Trong 3 cuốn sách mà tôi có dịp chấp bút năm 2021, có 2/3 người sinh ra tại vùng quê Bắc bộ; đồng thời có khoảng cách thế hệ khá lớn với tôi. Thế là, để hoàn thành suôn sẻ việc viết bản thảo, tôi phải liên tục nghe đi nghe lại những đoạn ghi âm phỏng vấn của nhân vật, kết hợp xem tin tức, phim truyền hình miền Bắc để thẩm thấu ngôn ngữ và biến nó thành cách hành văn của mình.
1.2 Câu chuyện cá nhân của nhân vật
Nhân vật có câu chuyện đủ hay, nhiều thăng trầm để viết sách hay không? Một số người viết có tâm sẽ từ chối viết tự truyện nếu cảm thấy nhân vật không quá hay ho hay tuổi đời còn quá trẻ. Tất nhiên tôi không đánh đồng người trẻ thì không tài giỏi, thậm chí xu hướng viết tự truyện hiện nay còn đang dần “trẻ hóa” khi một số nhân vật mới ngoài tuổi đôi mươi.
Ca sỹ Đức Phúc ra mắt tự truyện “Đức Phúc – I believe I can fly” khi mới 22 tuổi. Trước câu hỏi “Có gì trong tự truyện của một chàng trai mới 22 tuổi“, Phúc đã trả lời thế này: “Tôi cho rằng những cảm xúc được viết ra quan trọng hơn là bạn viết nó ở tuổi nào. Quan trọng là mình có gì để viết ra hay không”. Và tự truyện của ca sỹ Đức Phúc có bản in đầu tới 30.000 cuốn. Trong đó, số lượng sách được đặt ban đầu lên tới 10.000 bản – đây được coi là cột mốc rất ấn tượng. Tất nhiên đã là fan của ai đó thì việc tìm đọc tự truyện của thần tượng là điều hết sức dễ hiểu. Vì lẽ đó, việc xuất bản sách của người nổi tiếng bao giờ cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Vậy nên, nếu bạn không phải là người của công chúng, không hề nổi tiếng, thì bạn nhất định phải có câu chuyện thật sự đáng giá, phải đủ chất liệu để người chấp bút khai thác và biến nó thành cuốn sách thu hút, có giá trị. Để có được chất liệu “đạt chuẩn”, nhân vật phải là người trải đời, từng gặp nhiều sóng gió, thăng trầm trong cuộc sống. Và tất nhiên người lớn tuổi thường sẽ có góc nhìn đa chiều, nhiều câu chuyện sâu sắc hơn.
Quay lại về yếu tố ảnh hưởng đến chi phí đến việc thuê dịch vụ chấp bút, tôi thường quan tâm câu chuyện của nhân vật có liên quan đến yếu tố văn hóa, lịch sử nhiều hay không? Một số nhân vật thuộc thế hệ 5x, 6x… trải qua thời kỳ chiến tranh, bao cấp, kinh tế mới… đòi hỏi người viết phải có kiến thức liên kết các thông tin lại với nhau. Đôi khi, ngay cả nhân vật cũng chỉ nhớ một cách mơ hồ. Người viết phải xâu chuỗi thông tin, tìm kiếm thêm tư liệu để có thể hiểu đủ, hiểu sâu về hoàn cảnh nhân vật. Vì thế, nếu câu chuyện của nhân vật dàn trải qua thời gian càng dài thì sẽ gây ít nhiều khó khăn cho người viết, chi phí do đó cũng cao hơn.
1.3 Ngành nghề/lĩnh vực của nhân vật
Mỗi người viết sẽ có những thế mạnh ở từng lĩnh vực khác nhau. Có nhân vật là doanh nhân, bác sĩ, luật sư, ca sỹ, diễn viên… đòi hỏi người viết ngoài kiến thức tổng quát phải có sự tiếp xúc, sự yêu thích, kinh nghiệm thực tiễn…
Chẳng hạn, về lĩnh vực bóng đá thì tôi thật tâm chẳng dám nhận nhưng nếu được đặt viết về chạy bộ, bơi, đạp xe… thì tôi tự tin hơn rất nhiều do bản thân đã tập luyện các bộ môn này một thời gian. Nếu viết lĩnh vực về xây dựng, bảo hiểm… tôi sẽ phân vân vì ít có dịp cọ xát. Ngược lại, nếu viết về giáo dục, du lịch, khởi nghiệp sản phẩm thân thiện với môi trường… thì tôi sẽ lập tức đồng ý và vô cùng hứng thú.
Lĩnh vực “khó” hay “dễ” tùy thuộc vào sự yêu thích chủ quan và trải nghiệm cá nhân của chính người viết. Chính vì thế, đôi khi “cái khó” của người viết này lại là “cái dễ” của cây bút khác. Khách hàng cần tinh ý chọn người chấp bút phù hợp, vừa tiết kiệm được chi phí vừa đảm bảo nội dung muốn truyền tải.
2. Khối lượng công việc cần thực hiện
Ngày nay, nhiều khách hàng không chỉ có nhu cầu viết tự truyện, họ còn muốn đặt dịch vụ trọn gói từ việc lên ý tưởng sách, viết bản thảo, đăng ký bản quyền và xuất bản, tổ chức sự kiện giới thiệu sách, PR nhân hiệu và thương hiệu…
Tất nhiên khối lượng công việc càng nhiều khâu thì chi phí sẽ càng cao rồi!
Riêng trong khâu viết bản thảo cũng sẽ chia thêm ti tỉ các phần việc khác ảnh hưởng đến việc báo giá. Chẳng hạn, nếu khách hàng đã định hình sẵn ý tưởng, mục đích viết sách, có sẵn thông tin nền của nhân vật, đề cương chi tiết thì công việc chấp bút sẽ được thực hiện nhanh chóng với chi phí cũng thấp hơn. Ngược lại, nếu khách hàng hoàn toàn… chưa có ý tưởng gì, chỉ có duy nhất một mong muốn là viết tự truyện về cuộc đời mình; thì người chấp bút phải trò chuyện, tư vấn để chốt ý tưởng, lập đề cương, phỏng vấn nhiều ngày… thì giá cả dĩ nhiên sẽ cao hơn.
Khối lượng công việc ở đây còn phụ thuộc vào cuốn sách có bao nhiêu trang. Một cuốn tự truyện thông thường dao động từ 150 – 300 trang và nhuận bút cho công việc cũng sẽ chênh lệch theo số trang mà khách hàng yêu cầu. Một trang sách khổ nhỏ thường 180-250 chữ, khổ lớn hơn là 250 – 350 chữ. Để tránh những rắc rối trong việc tính nhuận bút, một số đơn vị sẽ tính giá theo mỗi 1.000 chữ hoặc trọn gói cho một cuốn sách hoàn chỉnh.
3. Thời gian hoàn thành
Thời gian để chấp bút bản thảo sách thường kéo dài từ vài tuần đến 1 năm. Tuy nhiên, một số khách hàng có kế hoạch riêng nên yêu cầu đẩy nhanh tiến trình viết sách.
Vì lẽ đó, họ thường sẽ chịu thêm phí “urgent fee”, tạm gọi là phí làm gấp. Mức phí này tùy theo thỏa thuận giữa người viết và khách hàng, thường dao động ở mức trung bình 10-20%, tối đa là 30%.
4. Danh tiếng/kinh nghiệm của người chấp bút
Một số cây bút có tiếng là các nhà văn, nhà báo, phóng viên nổi tiếng được nhiều người biết đến sẽ có chi phí cao hơn rất nhiều so với giá thuê người chấp bút có chuyên môn và kinh nghiệm nhưng lại không được nhiều người biết đến. Nói đơn giản, người càng có “name” thì giá càng cao. Có thể ngòi bút của họ không đến mức xuất thần nhập quỷ, nhưng họ có cái “name” đảm bảo sự uy tín và sức hút nhất định cho cuốn sách.
Vì điều đó, trong trường hợp khách hàng muốn cuốn tự truyện vừa chất lượng vừa cộng hưởng danh tiếng của người viết để PR cho thương hiệu cá nhân, họ sẵn sàng chấp nhận bỏ ra vài trăm triệu và hơn thế nữa, để mời được người chấp bút có “name”. Cái giá cao mà khách hàng phải trả còn bao gồm cả cái “name” của người chấp bút.
Như tôi đã chia sẻ ở những bài viết trước, viết sách là công việc không phải dân viết content nào cũng làm được. Ngoài năng lực viết lách, công việc đòi hỏi cần có sự logic, khả năng phỏng vấn và sự kiên trì qua nhiều tháng dài đằng đẵng mới có thể hoàn thành. Vì thế, các đơn vị/cá nhân muốn thuê dịch vụ chấp bút có thể không đủ chi phí để thuê nhà văn nổi tiếng hay một writer có “name” nào đó, nhưng xin đừng tiếc tiền, hãy thuê người có kinh nghiệm viết.
Để dễ hình dung, tôi xin chia sẻ một câu chuyện có thật thế này.
Năm ngoái, một đơn vị liên hệ tôi viết tự truyện cho một nhân vật. Họ bảo đã đặt hàng một bạn khác viết rồi. Tuy nhiên sau đó, họ buộc lòng phải bỏ đi hoàn toàn vì nội dung quá tệ so với sự kì vọng ban đầu. Thậm chí, họ không dám gửi bản thảo này cho nhân vật – khách hàng của họ vì sợ mất uy tín. Tôi có hỏi xin lại bản thảo để tham khảo, đồng thời gợi ý sẽ biên tập thay vì viết lại hoàn toàn để công ty phần nào tiết kiệm được chi phí. Thế nhưng họ bảo nội dung sách quá tệ. Họ muốn tôi hãy thoải mái viết nên một phiên bản mới hoàn toàn, đừng liên quan gì đến phiên bản cũ nữa, nó tệ đến mức chẳng còn cách nào cứu được đâu.
Vì thế, nếu không muốn tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc vô ích, đừng ham những chiếc giá rẻ mà chọn người thiếu kinh nghiệm viết.
5. Mục đích của việc chấp bút
Giá cả thuê dịch vụ chấp bút còn phụ thuộc vào mục đích xuất bản của cuốn sách.
Nhiều khách hàng mong muốn cuốn sách sẽ là phương tiện hỗ trợ PR nhân hiệu, thương hiệu, từ đó dễ dàng bán được các sản phẩm đang kinh doanh, đem lại lợi nhuận và tạo ra giá trị kinh tế về sau. Một tự truyện vừa mang giá trị tinh thần, vừa tạo ra giá trị kinh tế thì tất nhiên, chi phí cho dịch vụ chấp bút không thể thấp được.
Ngược lại, có nhiều khách hàng chỉ đơn thuần muốn viết tự truyện để ghi lại câu chuyện cuộc đời mình. Nhiều khi, họ chẳng có nhu cầu xuất bản hay cần được nhiều người biết đến. Họ có thể tự in sách rồi tặng cho người thân, bạn bè như một món quà kỉ niệm mà thôi. Khi đó, cuốn sách chỉ cần đảm bảo giá trị tinh thần là được. Những trường hợp như vậy, chi phí thuê chấp bút sẽ rẻ hơn khá nhiều.
6. Người chấp bút có được để tên trên sách hay không
Người chấp bút hay còn được gọi là ghostwriter, có nghĩa là “người viết ma”. Tuy là người viết lại toàn bộ cuốn sách nhưng đa phần đều ẩn danh, không được người khác biết đến.
Đã có nhiều tranh cãi xoay quanh việc này, vì sao người chấp bút là người viết lại toàn bộ cuốn sách nhưng tên “tác giả” lại là người khác. Nếu không có ngòi bút của người chuyên viết lách, liệu “tác giả” kia có thể hoàn thành cả mấy trăm trang sách hay không? Thôi thì tôi sẽ tiếp tục chia sẻ quan điểm cá nhân của mình về ở một bài viết khác. Viết ở đây nữa thì dài quá đúng không!
Tóm lại ở đây, trên bìa một cuốn sách có thể để cả tên tác giả – là tên nhân vật và tên người chấp bút – là người tái hiện lại câu chuyện của tác giả. Người chấp bút và đơn vị đặt hàng nên thỏa thuận cụ thể trước khi kí hợp đồng, tránh những lùm xùm tranh cãi sau khi cuốn sách đã được xuất bản. Trong trường hợp đơn vị/nhân vật đặt hàng viết tự truyện không muốn xuất hiện tên của người chấp bút thì nên nói thẳng vấn đề này ngay từ đầu. Sau đó, người chấp bút có quyền từ chối làm việc hoặc yêu cầu thu phí 20-30% giá trị công việc, xem như khoản phí bù đắp “tổn thất tinh thần” khi không được để tên trên tác phẩm tâm huyết của mình.
Tôi không có nhiều tiền, liệu có thể thuê được người chấp bút hay không?
Có cầu ắt sẽ có cung. Bạn đưa ra mức giá nào cũng sẽ có người nhận, tuy nhiên sản phẩm cuối cùng có đáp ứng được yêu cầu của bạn hay không, đó lại là vấn đề!
Nếu bạn chỉ muốn ghi lại vài trang về tiểu sử của mình, mục đích làm kỷ niệm chứ không có ý định xuất bản, bạn có thể không cần có nhiều tiền.
Nhưng nếu bạn muốn cuốn sách là di sản để đời, là thứ mà bạn tự hào khoe với mọi người đây chính là cuộc đời tôi, là dấu ấn cá nhân của tôi, là thăng trầm cả đời tôi; thì chắc chắn bạn phải bỏ ra một khoản phí tương đương với giá trị mà bạn mong muốn.
Có người từng bảo, nếu không có được ít nhất 50 triệu thì đừng thuê người chấp bút. Thay vào đó, hãy tự viết!
Thật ra hoàn cảnh của lời tuyên bố trên là như sau, một người chuyên viết tự truyện đã tư vấn nhiệt tình cho rất nhiều khách hàng về dịch vụ chấp bút. Thế nhưng sau khi báo giá xong, có khách hàng nói thẳng: “Sao giá mắc vậy?“, có khách im ỉm lặn mất tăm mất tích. Thế là để tránh mất thời gian và công sức, người ấy mới đưa ra hẳn một con số như thế, để những người kinh tế chưa ổn, tiềm lực tài chính chưa vững thì khoan nghĩ đến dịch vụ viết sách.
Nhiều người nghĩ chấp bút là công việc đơn giản lắm, nhân vật kể gì thì ghi lại thôi. Nếu đơn giản thế thật thì người ta còn thuê người chấp bút làm gì. Ai hiểu giá trị công việc sẽ quý trọng công sức của người chấp bút; còn ai chưa hiểu sẽ kì kèo giá cả, chê bai mắc rẻ như đang mua một món hàng ngoài chợ, tổn thương nhau lắm!
(Tham khảo thêm 1 bài viết trên cand.com để hiểu rõ hơn về nghề chấp bút cũng chẳng dễ ăn Link)
Tôi thường lấy phí bao nhiêu cho công việc chấp bút?
Ngay từ đầu bài viết, bạn có thể biết mức giá cho dịch vụ chấp bút là vô chừng, dao động từ vài triệu đến vài chục, thậm chí lên đến vài trăm triệu.
Thế cho nên, thật khó cho người viết để đưa ra báo giá cụ thể khi chưa biết thông tin nhân vật, lĩnh vực quý khách hàng muốn thuê chấp bút là gì. Thông thường tôi sẽ báo giá theo gói công việc với mục đích đồng hành xuyên suốt cùng nhân vật để viết nên cuốn sách tốt nhất trong khả năng mình. Tôi cũng thường xuyên chủ động hỏi ngân sách dự kiến của quý khách hàng nếu có, từ đó tư vấn và tìm ra thỏa thuận phù hợp giữa đôi bên.
Nếu đọc đến đây, bạn vẫn muốn biết một con số cụ thể để tham khảo thì tôi xin chia sẻ mức phí của tôi dao động từ 1 – 2 triệu/1.000 chữ và cao nhất khoảng 3 – 4 triệu/1.000 chữ. Tùy vào từng dự án mà mức phí sẽ có sự chênh lệch ít hay nhiều. Có dự án chỉ cần 1, 2 tháng là hoàn thành, nhưng có dự án phải kéo dài cả nửa năm, thậm chí 1 năm trời do nhiều yếu tố mà tôi đã liệt kê ở trên. Có thể nói vui, chi phí cứ theo thời gian… mà tăng dần!
Không ít lần sau khi tư vấn đủ kiểu, đến lúc báo giá, tôi cũng bị khách hàng “bơ” đẹp hay chê bai mắc rẻ. Tuy nhiên, thay vì khó chịu, bực bội hay cảm thấy lãng phí thời gian, tôi sẽ luôn tìm cơ hội giải thích lý do vì sao tôi đưa ra mức giá như vậy. Viết sách không phải là nguồn thu nhập chính của tôi nhưng suy cho cùng, nghề viết chính là công việc đã nuôi sống tôi hơn 6 năm qua. Tôi trân trọng từng cơ hội được làm nghề, trân quý từng vị khách đã liên hệ với tôi, dù có duyên hợp tác hay chưa.
Chính vì lẽ đó, khách hàng có thể không hợp tác với tôi lần này nhưng tôi mong sau khi trò chuyện, họ sẽ phần nào hiểu được, à thì ra viết lách cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt, hao tổn chất xám, lao tâm khổ tứ dữ lắm chứ không phải là cái nghề dễ ợt mà người ta vẫn đùa là “chém gió ra tiền”. Và suốt 3 năm làm freelancer, dù không phải lúc nào cũng “đắt show” nhưng tôi luôn nói “không” với chuyện “phá giá”. Tôi mong muốn tìm được những khách hàng hiểu được giá trị của công việc sáng tạo và hợp tác với nhau bằng tất cả sự tôn trọng.
Và nếu bạn có nhu cầu đặt viết tự truyện hay có bất kì thắc mắc nào về dịch vụ chấp bút, đừng ngần ngại liên hệ với tôi. Tôi sẽ giải đáp tất cả trong phạm vi hiểu hiểu của mình.
Mọi vấn đề thắc mắc, đặt hàng viết sách, dịch vụ chấp bút tự truyện, hồi ký, xin vui lòng liên hệ email: homongtien.btv@gmail.com.
Rất mong hữu duyên được kết nối và chấp bút cho nhiều nhân vật truyền cảm hứng hơn nữa trong tương lai.