Cái lần gần nhất mình hay phán xét người khác, đó là thời sinh viên. Lúc ấy mình không hiểu sao có nhiều người sẵn sàng chi một đống tiền cho một chiếc túi xịn, một đôi giày đắt đỏ, hay bộ váy hàng hiệu mắc tiền. Kế tiếp, mình càng không hiểu nổi sao có người chẳng khá giả gì, vẫn hăm hở đi mua điện thoại trả góp, laptop đời mới.
Mỗi người có một sở thích riêng
Khi ấy, ngoài trích ra phần tiền tiết kiệm thì sở thích tốn tiền nhiều nhất của mình là du lịch. Người ta lại bảo: Có tiền không để dành hay sắm sửa gì cho bản thân đi, du lịch miết làm chi. Có đôi lần mình đã gân cổ lên cãi, rằng du lịch luôn tốt hơn ba cái sở thích shopping này kia.
Nhưng sau này lớn lên một chút, mình hiểu ra mỗi người có một sở thích riêng, một cuộc đời riêng. Tôn trọng người khác cũng là cách tôn trọng chính mình. Có thể với mình, chuyện sắm sửa là điều gì lãng phí, nhưng việc ấy lại mang lại ý nghĩa tích cực với người khác, giúp họ tự tin hơn, hãnh diện hơn, có động lực để phấn đấu hơn. Nếu mình mang những chuyến đi ra làm đề tài để tám chuyện, thì những người khác cũng có thể nói hàng giờ về xuất xứ của chiếc túi này, hay các tính năng của chiếc điện thoại, laptop kia.
Tất nhiên, mình đang bàn về mặt tích cực, không nói đến những trường hợp quá thích một cái gì đó mà bất chấp mua cho bằng được. Du lịch cũng vậy thôi, có nhiều người kinh tế chưa tốt lắm mà nghiện đi đến mức vay tiền bạn bè, người nhà để đi. Mình tạm bỏ qua những trường hợp này nha!
Vài năm trở lại đây, mình bắt đầu có thêm những sở thích về thể thao, trekking. Tất cả những bộ môn ấy cũng tốn kém chẳng ít. Ví dụ như nói về chạy bộ nhé: Một đôi giày đủ tốt cũng có giá tầm 1-2 triệu, một chiếc quần xịn cũng tầm ấy tiền. Còn về đạp xe, một chiếc mountain bike xoàng xoàng cũng cả 5 triệu, chưa kể sắm thêm áo, mũ, bình nước… Cứ càng lún sâu vào mỗi bộ môn trên, thì lại càng tốn tiền tợn. Thỉnh thoảng, đăng kí đi chạy ở tỉnh nào đó, tổng chi phí bib, vận chuyển, ăn ở có khi cũng 3-5 triệu.
Và những người khác lại bắt đầu bảo, ủa làm gì vừa mệt vừa tốn tiền thế? Thời gian đầu, có người còn trêu tụi mình là: Toàn mấy đứa khùng!
Thế nên, khi bạn nghe một sở thích của một ai đó có phần… vô lý với mình; thì chưa hẳn nó là vô lý với người khác. Nếu không thể hiểu, hãy lắng nghe. Nếu bạn chẳng muốn nghe, cũng không sao, chúng mình cùng chuyển sang một đề tài khác.
Nơi sống lý tưởng của bạn chưa hẳn là lựa chọn của người khác
Đến tận bây giờ, nhiều người vẫn chưa thể hiểu tại sao mình và bạn trai mình (và là chồng hiện tại) lại quyết định bỏ Sài Gòn để ra Hội An sống?
Chị mình và một vài người bạn của mình vẫn bảo, ra đó làm gì? Tại sao Sài Gòn tốt như thế, dễ kiếm tiền thế sao không ở? Thỉnh thoảng, nhiều người vẫn inbox hỏi, khi nào mình trở lại Sài Gòn?
Thật ra, mình không nói trước được chuyện tương lai, có thể mình sẽ về lại Sài Gòn, cũng có thể không. Nhưng bây giờ, mình chọn Hội An và hài lòng với việc sinh sống ở đây.
Bởi mình trót yêu những cánh đồng lúa bạt ngàn nơi đây, mải mê hít hà cái khí trời trong xanh mát mẻ, yêu cái cảm giác đằm mình trong biển xanh mênh mông, xoa dịu mọi mệt mỏi của công việc, cuộc sống. Những thứ ấy, Sài Gòn chẳng có!
Nhưng mình biết, Sài Gòn mới là mảnh đất dễ sống dễ kiếm tiền, còn mang cả nhiều cơ hội làm giàu. Nhưng giá trị sống của mỗi người khác nhau, thật khập khiễng nếu đặt lên bàn cân để so sánh rạch ròi nơi nào mới tốt hơn, đáng sống hơn nơi kia. Có chăng, là nơi nào thích hợp với bạn hơn mà thôi!
Nơi bạn cho là lý tưởng, đôi khi lại chẳng chút thú vị với người khác. Có nhiều người còn chọn sống nơi vùng núi hẻo lánh, làm bạn với cỏ cây chim muông, mình cũng chẳng cho đó là gàn dở, mà đó là sở thích của họ. Sống nơi nào tâm bình an, hạnh phúc, thỏa mãn những giá trị bạn kiếm tìm; thì vùng đất ấy mới là nơi sống lý tưởng.
Đừng bảo người khác đến nơi này nơi kia, hãy hỏi họ có hạnh phúc ở nơi họ đang sống không!


Hạnh phúc của bạn không phải là mẫu số chung cho tất cả
Đợt rồi, một cô bạn đã lấy chồng trước mình vài năm, bạn bảo sao mình khờ thế. Đám cưới là chuyện trọng đại, sao mình dễ dãi với nhà trai như thế? Cưới được mình, nhà trai có tốn gì đâu, vô tình làm mất giá trị của mình có biết không? Nhà gái phải làm khó một chút thì nhà trai mới coi trọng, hiểu không!
Bạn chưa hỏi mình có vui, có hạnh phúc không? Bạn vội áp đặt hạnh phúc hôn nhân của bạn là mẫu số chung cho tất cả!
Ít nhất là có hai cặp vô cùng hạnh phúc mà mình biết, còn chẳng có một đám cưới đúng nghĩa. Họ chỉ làm một bữa tiệc nhỏ ra mắt hai bên nhà đình và bạn bè thân thiết. Rồi họ gắn bó, yêu thương và tôn trọng nhau đến giờ!
Chồng mình không sinh trưởng trong gia đình giàu có, nhưng gia đình luôn hòa thuận, ấm áp. Bà nội, ba mẹ và anh chị em trong nhà thường quây quần bên nhau trò chuyện suốt mấy ngày tết. Mẹ chồng mình phụ trách gần hết việc bếp núc, tụi mình chỉ phụ lặt rau, rửa chén sau ăn và tám chuyện. Chồng mình có bảo, mẹ thích nói chuyện, có người ở bên nói chuyện lúc mẹ làm là mẹ vui rồi. Mình trải qua ba ngày tết ở nhà chồng, ngỡ sẽ lạ lẫm buồn tủi, ai dè lại vui vẻ, thuận hòa. Hồi đó mình có nhắn với vài cô bạn, ê lấy chồng đi, không đáng sợ lắm đâu! Và mình mừng vì có thêm một gia đình mới để yêu thương.
Chồng mình từng bảo, sẽ yêu thương má và anh chị em, cháu chít của mình như người nhà, vì đó là những người quan trọng của mình. Cháu mình – Cà Chua và Tôm – con của chị 2, nhẽ ra phải gọi anh là Dượng Nguyên. Nhưng vì quen miệng, lúc nào cũng gọi là Cậu Nguyên. Nếu đi ra ngoài không nói gì, chắc hẳn ai cũng nghĩ chồng mình là cậu ruột vì mọi người thân thiết đó giờ.
Khi tụi mình đã yêu thương nhau, thì mình cũng sẽ yêu những người quan trọng của vợ/chồng mình. Tính toán để làm khó nhau đôi khi chỉ làm khó chính bản thân mình.
Có thể mình may mắn gặp được gia đình chồng hiểu chuyện, nên mọi thứ trôi qua nhẹ nhàng, mình được sống y nguyên với bản chất dù ở nhà mình hay nhà chồng. Nhưng lại một lần nữa, mình sẽ không áp đặt quan điểm sống của mình vào người khác bởi không phải gia đình nào cũng giống nhau.

Quay lại chuyện nhà gái có nên làm khó nhà trai không? Có nên đòi hỏi nhiều sính lễ, tiền bạc hay không?
Nếu bạn hỏi quan điểm của mình, mình sẽ trả lời là không. Không ít những gia đình, vì cái yêu cầu khắt khe của sính lễ, mà phải đi vay mượn hết người này người kia, chật vật và lo lắng biết bao. Có người sau một đợt đám cưới, dành cả năm trời làm lụng để trả nợ.
Chuyện kết hôn là một nghi thức xác lập mối quan hệ chính thức của hai người bình quyền với nhau. Tại sao phải cố tình làm khó để mình có giá trị? Vì sao mình phải làm khó những người mà mình yêu quý và sẽ gắn bó với mình một quãng đường thật dài phía sau chỉ để… làm bản thân có giá trị, mà cái giá trị ấy thì lại quá đỗi mơ hồ. Hãy biết ơn và trân trọng dù món sính lễ ấy có trị giá bao nhiêu.
Mình cũng chỉ vừa mới cưới được vài tháng, có thể chẳng đủ trải nghiệm để dám nói đúng sai, nên hay không nên làm gì. Nhưng có điều mình tin, chỉ có bản thân bạn mới biết mình đang cần và muốn gì, vui hay buồn điều gì. Đừng để những lời khuyên nhiệt thành không đúng chỗ ảnh hưởng đến niềm an yên hiện tại của mình. Bởi hạnh phúc của một người nào đó, chưa chắc là mẫu số chung cho tất cả.
Nếu có thể, hãy chỉ hỏi bạn mình có đang hạnh phúc không, vì mỗi người đều có một cuộc đời riêng. Có thể bạn chưa hiểu vì sao ai đó có một sở thích, một lối sống “kì” như thế, khác bạn đến thế; nhưng hãy chọn cách tôn trọng lẫn nhau. Một người thích đưa ra lời khuyên, chưa hẳn là người ấy hiểu bạn hay sẽ trở thành bạn tốt của bạn. Nhưng những người biết lắng nghe và tôn trọng bạn, sẽ là tri kỷ của nhau!