Đợt rồi, tôi có công việc phải lang bạt vài nơi, Sài Gòn, Ninh Thuận, Bình Định, rồi mới trở ra Hội An. Tổng thời gian đâu đó khoảng nửa tháng. Dĩ nhiên di chuyển nhiều như thế thì làm gì có thời gian chăm chút cho bữa ăn, tôi chỉ ăn đại cái gì tiện và cảm thấy ngon miệng.
Ăn cho sướng miệng, khổ thân
Đợt đó tôi ăn nhiều thứ lắm, ăn cho thỏa món ngon mà lâu nay ở Hội An vẫn thèm thuồng. Mà đa phần các món ấy toàn là đồ chiên, xào nhiều dầu mỡ. Kết quả khi trở ra Hội An, tôi bị nhiệt miệng nặng, nặng đến nỗi cả năm quyết tâm không uống thuốc tây, mà giờ phải bị khuất phục bởi mấy cái nhiệt trong miệng.
Hồi ấy, đến nuốt nước bọt cũng thấy đau, tôi chả thiết ăn uống gì thời gian đó. Tôi mới nói đùa với bạn, đúng là “Cái miệng hại cái thân”, ham ăn chi cho sướng cái miệng rồi giờ khổ cái thân. Bởi vậy, sau này dù có đi du lịch, tôi cũng dành ra ít nhất một buổi để có thể tự nấu ăn, nấu mấy món đơn giản như luộc, hấp, ăn kèm trái cây, ngũ cốc… Như thế, vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa tránh các triệu chứng mệt mỏi, khó tiêu, táo bón… thường gặp khi đi xa lâu ngày.
Chuyện ăn uống ngẫm kĩ cũng giống như chuyện giao tiếp mỗi ngày. Bao nhiêu cái họa cũng từ miệng mà ra.
Nói cho vui miệng, khổ thân
Tôi biết có một số người, bụng dạ rất tốt nhưng lại có thói quen nói mà không suy nghĩ, giỡn nhây mà chẳng chú ý gì đến cảm xúc của người đối diện, khiến cho cuộc trò chuyện trở nên mệt mỏi và mất thiện cảm. Những câu khen chê vô tội vạ như: “Dạo này thấy mập hè”, “Ôi nay đen thui thế!”, “Làm vất vả lắm sao mà ốm teo!“… Có thể người nói ra những câu cảm thán này cũng chẳng có ý chê bai gì đâu; thì lâu quá không gặp, họ thấy bạn như thế thì họ nói thế, nhiều khi họ còn đang nghĩ là đang quan tâm bạn nữa. Nhưng thật ra, những câu nói ấy chẳng có được mục đích tốt đẹp nào mà chỉ thỏa mãn chính “cái miệng” của bạn thôi. Bạn nói cho vui miệng chốc lát, nhưng không ít người lại bị “ám ảnh” và suy nghĩ tiêu cực. Đặc biệt, với người chưa đủ nội lực mạnh mẽ thì càng dễ tự ti và stress. Do đó, chỉ cần nói chậm lại vài giây, nghĩ suy một chút trước khi “nói vui”, có khi lời nói của bạn đã truyền tải ý nghĩa đẹp đẽ, tốt lành rồi!
***
Tôi nhớ, có lần tôi hẹn gặp một cô bạn cũ thân thiết. Những tưởng lâu ngày không gặp, chúng tôi sẽ có một buổi chuyện trò thú vị, nhưng câu nói đầu tiên khi gặp là:
– “Lâu quá mới hẹn tui, gớm, có bạn trai quên luôn bạn bè!”
– “Hôm bữa thấy đi chơi với nhóm A,B,C sao không rủ?”
Tôi biết câu nói trên chẳng có ý đồ xấu gì cả, nhưng vô tình làm dập tắt hứng khởi của buổi gặp gỡ. Việc có bạn trai hay việc đi chơi với nhóm A,B,C nhẽ thường tình chẳng có gì xấu, hay đúng hơn phải nên mừng khi bạn mình được vui vẻ, mạnh khỏe. Thì giờ, những câu nói hàm ý trách móc đó khiến buổi nói chuyện trở nên khó xử biết chừng nào. Con người càng lớn lên, quỹ thời gian dường như càng bị hẹp lại, ai cũng dần có những mối quan tâm khác nhau. Việc hôm nay có thể gặp mặt, trò chuyện với nhau đã là niềm vui rồi, cớ gì nói ra những lời giận dỗi làm chi. Hôm nay gặp nhau, ngày mai Covid bùng lên, giãn cách xã hội rồi muốn gặp nhau cũng khó, đúng không?
Vì thế, nói cho vui miệng mình, nhưng có khi lại làm người khác phải suy nghĩ, khổ thân người ta. Rồi dần dà khi bạn làm “khổ” người ta nhiều, người ta cũng hạn chế tiếp xúc với bạn, mối quan hệ nhạt dần, chẳng phải vô duyên lắm sao!
Chửi cho hả dạ, khổ thân
Người ta bảo “giận quá mất khôn” thì “chửi” là biểu hiện đầu tiên của việc “mất khôn” đó. Khi giận lên một chút, người ta muốn chửi cho sướng cái miệng, hả cái dạ mà mặc kệ hậu quả ra sao.
Bạn đang đi trên đường đàng hoàng, tự nhiên có đứa chạy ẩu va vào làm bạn mém té. Tức, phải chửi! Nhưng thiệt ra chửi xong có lợi gì không? Bao nhiêu báo đài thỉnh thoảng vẫn đưa tin, “nhắc nhở một thanh niên chạy ẩu, một người bị đánh chết”, “chửi một người vượt đèn đỏ thiếu ý thức, A bị đâm chết”,… Gặp người hiền lành, “chửi” nhẹ hay nhắc nhở cũng chẳng sao; nhưng nếu gặp phải giang hồ, côn đồ không phân biệt phải trái đúng sai; hay đơn giản gặp một người hiền lành nhưng đang nổi máu côn đồ, tức giận hóa rồ, thì câu nhắc nhẹ, chửi nhẹ của bạn cũng đủ khơi màu cho một bi kịch không đáng có!
Trong chuyện tình cảm, “chửi” cho hả dạ nhưng hậu quả lại càng khôn lường. Tôi biết có nhiều cặp vợ chồng, mỗi khi tức giận là chửi nhau, vợ chửi chồng, chồng chửi vợ, chửi cả ba mẹ, anh chị em, dòng họ tổ tiên của nhau, bới móc quá khứ rồi đem sai lầm từ 5,7 năm trước ra mà chửi cho hả dạ. Mà “lời nói ra rồi có lấy lại được đâu”, lời nói không lấy lại được, chửi thì lại càng không. Bất cứ khi nào chán nản, bực dọc, những câu chửi đó sẽ văng vẳng như cuốn phim tua chậm, cứ phát ra rả bên tai, dấy lên những hoài nghi, bức xúc. Hôm nay có thể tạm quên vì gia đình, nhưng ngày mai, ngày mốt, rồi tương lai xa hơn thì sao? Chẳng ai dám chắc điều gì. Những gia đình có vợ/chồng không biết “nhịn chửi” như thế; hoặc là sống trong lục đục, chiến tranh, chẳng bao giờ hòa thuận; hoặc là tan đàn xẻ nghé, ly hôn, anh đi đường anh, em đi đường em. Đau khổ nhất vẫn là người nhà, con cái mà thôi. Chửi cho hả dạ, khổ thân bao người!
***
Tôi và bạn trai quen nhau gần 6 năm. Tính tôi lúc nào cũng nóng hơn. Vào những lúc tức giận ấy, tôi có khả năng đặc biệt là nhớ rõ mồn một tất cả những muộn phiền trước đây. Tôi có thể kể vanh vách từng chi tiết nhỏ nhất dù ngày thường tôi có trí nhớ chẳng được tốt, hay quên trước quên sau. Cái khả năng này tôi chẳng thể kiểm soát, nó như nằm sẵn trong tiềm thức và chực chờ cơ hội để tấn công vậy đó. Và những lúc đó, lúc nào tôi cũng “bỏ đi”. Bởi tôi biết, nếu tiếp tục tranh cãi thì chắc chắn tôi sẽ không thể kiểm soát lời nói, sẽ chửi, sẽ xúc phạm đối phương. Tôi chọn cách bỏ đi một lúc, hóng gió hay ăn uống một thứ gì đó, rồi quay lại nói chuyện khi đã bớt nóng giận. Hoặc cũng có thể, tôi sẽ bỏ đi một vài ngày đến một nơi nào đó, cho tâm bình yên trở lại rồi mới quay về. Quen nhau chừng ấy thời gian, may mắn là chúng tôi vẫn chưa nói lời gì xúc phạm nhau!
Chung quy lại, tôi thấy chuyện ăn uống cũng giống như cách sống hàng ngày. Biết nhịn ăn những loại không tốt lành, nhịn nói những lời vu vơ vui miệng, nhịn chửi mấy lời độc địa tổn thương nhau; cuộc sống rồi sẽ khỏe mạnh cả thể chất và tâm hồn!
Càng đi du lịch càng thấm vụ ăn uống luôn á Tiên, không bao giờ dám ăn nhiều, ăn quá no hay ăn lề đường, ăn vào sướng cái miệng rồi khổ cái bụng, có khi tối về chẳng ngủ được. Ngày trước, cách đây 4 5 năm khi vừa được trải nghiệm đi phượt, tui cũng thích khám phá ăn uống nhiều, rồi rốt cuộc là đến nhà thuốc thẳng tiến… Sau mấy vụ như thế, giờ đi chơi hoặc là ăn trái cây, hoặc là thuê chỗ nào có bếp nấu nướng ^^ he he…
ừa nhớ hồi đi Thái ăn toàn đồ chua cay, tối về bụng khó chịu dã man, kiểu cứ nóng bụng, haha đứa nào cũng uống yakult. Nạp thức ăn lạ vào bụng liên tục là kiểu nào bụng cũng biểu tình à. Ngày trước tiếc tiền, đi du lịch hay ở dorm hay phòng rẻ, giờ thì ưu tiên chỗ ở hơn, thoải mái và nấu ăn được đặt lên hàng đầu. hihi