Trên chuyên mục “Góc nhìn” của VnExpress hôm nay, có đăng một bài “Làm thuê hay làm chủ” với mở đầu bằng câu: “Tôi không thích câu chuyện thành công, vì người thành công nói gì cũng đúng.” Tôi cùng quan điểm với người viết.
Làm thuê chưa hẳn đã dở
Ngày trước, tôi từng ở trọ chung với vài cô bạn. Trong đó có một người mà tôi khá nể bởi lập trường và suy nghĩ rất thực tế.
Khi tôi hỏi sau này bạn có ý định làm chủ không, bạn kiên định bảo: “Bạn chỉ thích hợp làm thuê”. Không có sách nào nói về việc “người làm thuê” thành công ra sao, chỉ có sách chia sẻ về các chủ doanh nghiệp tài ba thế nào mà thôi. Nhưng bạn là minh chứng của một “người làm thuê” thành công. Ít nhất là đến thời điểm hiện tại!
Bạn học một trường Đại học không nổi tiếng ở Sài Gòn, vào thực tập ở một công ty đa quốc gia với mức lương cũng tàn tàn. Sau đó, bạn trở thành nhân viên theo hợp đồng, lương cao một tẹo nhưng có nguy cơ bị cắt hợp đồng bất cứ lúc nào.
Lúc nào gặp tôi bạn cũng bảo, không biết năm sau có bị “đuổi” hay không?
Nhưng bỏ qua những lo lắng đó, bạn chấp nhận ở lại công ty làm, làm một cách vui vẻ, lạc quan cùng tinh thần nỗ lực học hỏi mỗi ngày. Ba năm sau, bạn được công ty cử đi học tập ở nước ngoài, trở thành nhân viên chính thức vô thời hạn với mức lương nhiều người mong ước thời điểm ấy.
Bạn chu cấp cho cả gia đình ở quê, nuôi một đứa em ăn học Đại học, mua được nhà ở Sài Gòn, đi du lịch từ châu Á sang tận châu Âu và hiện làm việc tại nước ngoài cho một công ty tiếng tăm hơn. Và bây giờ khi gặp tôi, bạn vẫn cứ bảo: “Bạn thích hợp với làm thuê” hơn.
Làm thuê vẫn thành công, giàu có đó thôi. Làm thuê mà được như bạn thì khối người mong ước. Còn làm chủ nếu không đủ năng lực thì thật là tai họa!
Chưa làm thuê đã mong làm chủ
Sau khi ra trường tầm 1 năm, tôi nghỉ việc để làm freelancer. Sau đó tôi mới té ngửa nhận ra, kiến thức và mối quan hệ của tôi thật ít ỏi để có thể kiếm tiền đủ sống ở Sài Gòn. Khoảng 3 tháng ngắn ngủi sau đó, tôi đành chấp nhận sự thật, tôi phải đi làm lại thôi.
Tôi tiếp tục đi làm ở công ty 4 năm sau đó, kiên trì hơn, chịu khó hơn, tích lũy kinh nghiệm và mối quan hệ. Một khi cảm thấy đủ vững vàng, tôi mới xin nghỉ việc để làm dự án riêng của mình.
Khoảng vài năm trở lại đây, tôi ngạc nhiên khi thấy quá nhiều Freelancer trẻ tuổi, độ tuổi đâu đó như vừa mới ra trường. Các bạn thiết kế profile rất hoành tráng, từng cộng tác với chỗ này chỗ kia; nhưng tuyệt nhiên chưa từng làm nhân viên toàn thời gian ở bất kì công ty nào. Tôi tự hỏi, khi chưa chính thức đi làm ngày nào, làm sao các bạn hiểu được quá trình công việc ra sao; chưa kể còn các kĩ năng khác như giao tiếp, nói chuyện với khách hàng, kĩ năng xử lý các trường hợp phát sinh, các công việc văn phòng, giấy tờ… Phải chăng, vì thế giới freelance đã vẽ nên màu hồng về một cuộc sống tự do tự tại mà vẫn có tiền; rồi làm các bạn quá mơ mộng chăng?
Tất nhiên, một số người giỏi không cần làm thuê ngày nào vẫn thành công. Nhưng thử hỏi thế giới được mấy người xuất sắc như thế?
Các bạn có thể thông minh, tài giỏi, ngoại ngữ tốt và nhạy bén, bắt trend tốt hơn… nhưng có một điều tôi nhận ra ở các bạn trẻ bây giờ, đó là các bạn thiếu kiên nhẫn hơn. Các bạn nhăm nhăm đòi quyền lợi của bản thân, không muốn làm việc tăng ca, muốn được đi du lịch đó đây, muốn sếp phải lắng nghe và thấu hiểu nhân viên, muốn tăng lương đều đặn mỗi 6 tháng, muốn tùm lum mà chưa biết các bạn cống hiến gì ở công ty. Rồi các bạn làm 1,2 tháng xin nghỉ vì công ty không đáp ứng những tiêu chuẩn của bạn, và bạn cho rằng công ty đã đánh mất một nhân tài! À, tôi cũng từng có suy nghĩ như vậy đó, nhưng rồi thực tế phũ phàng là không có bạn, công ty vẫn dư sức tuyển người khác giỏi hơn, vẫn ăn nên làm ra mà không cần có bạn!
Và những người bạn xung quanh tôi, người thành công cũng chưa ai có khởi đầu suôn sẻ, thuận lợi và an nhàn cả! Ai cũng phải cố gắng rất nhiều những năm đầu, làm đêm, tăng ca, đi công tác tỉnh xa hay làm dự án mấy chục tiếng liên tục…
Vì vậy, trước khi muốn hưởng cuộc sống an nhàn, hãy cứ miệt mài làm việc đã. Trước khi có ý định làm chủ, dù chủ công ty hay chủ quỹ thời gian của mình; hãy cứ là một người làm thuê để xem mấy người chủ làm cái gì mà thành công. Vậy nha!
Làm thuê thành công thì mới có thể làm chủ
Phải đi làm thuê mới biết được cách bộ máy vận hành như thế nào, xem khách hàng và mọi người mong muốn gì ở mình… Chứ hông phải đùng phát ra làm chủ, rồi loay hoay không biết tìm khách hàng ở đâu, hay chẳng có một cộng sự nào chịu hợp tác, gắn bó với mình. “Làm chủ” nghe cho oai vậy thôi chứ tôi biết, nhiều người “làm chủ” còn cực, còn mệt đầu mệt óc nhiều gấp trăm lần so với “làm thuê”.
“Thống kê chưa đầy đủ, mỗi ngày ở Việt Nam có ít nhất trên 300 doanh nghiệp đăng ký thành lập, chưa kể các dự án khởi nghiệp không đăng ký. Nhiều người vẫn khởi nghiệp theo phong trào và theo cảm tính, bỏ ra số tiền lớn và bao công sức nhưng vẫn thất bại. Đa phần các start-up đều đốt tiền trong mấy năm đầu mà lợi nhuận hầu như không có.”
Nói chung, đài báo truyền thông tô vẽ nhiều quá về khởi nghiệp, về start up… để rồi ai cũng mong làm chủ. Đừng đọc ba cái cuốn sách Dạy làm giàu, Dạy trở thành người xuất chúng nữa. Chưa thấy ai đọc xong mà xuất chúng cả; chỉ thấy càng ngày càng ảo tưởng, mơ mộng hơn thôi! Nhưng tất nhiên tinh thần “khởi nghiệp” là điều đáng hoan nghênh nha, chỉ là nhìn xuống một chút để biết trời cao đất dày, đánh giá lại năng lực của bản thân; biết chấp nhận và dừng lại kịp thời để tránh mất mát nhiều hơn! “Chỉ thất bại có hiểu biết mới biến bạn trở thành một người có giá trị hơn.”
Vì thế, làm chủ hay làm thuê là quyết định của bạn, cứ suy nghĩ kĩ là được. Rồi cuộc đời sẽ cho bạn biết đáp án đúng sai thế nào ngay thôi!
– Bài viết dựa trên quan điểm của người viết ở thời điểm hiện tại