Hai lần đến Hội An, tôi không thật sự ấn tượng về nơi này, cũng chẳng bao giờ nghĩ sẽ sống và làm việc tại Hội An.
Cách đây khoảng 2 năm, CD từng nói chuyện với tôi về ý định muốn sống ở Hội An. Tôi chỉ chậc lưỡi, ừ đi đi, rồi mùa hè nóng như điên, còn mùa mưa thì dầm dề ngập lụt. Sau đợt mưa lũ kinh hoàng trong năm đó, phố cổ chìm trong nước, công ty của CD ở vị trí khá cao mà nước cũng ồ ạt vào cả mét, nghe nói nhân viên phải xắn quần áo đi làm. Tôi cũng sinh ra ở miền Trung, lạ gì cái khắc nghiệt của thời tiết nơi đây. Và rồi CD ngưng không nhắc đến chuyện chuyển công tác về đây nữa.
Nhưng rồi Sài Gòn trở nên ô nhiễm, khói bụi, kẹt xe, lòng người toan tính, nhịp sống vội vã khiến chúng tôi dần trở nên ngán ngẩm.
Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ làm công việc full-time cả đời. Tuy công việc biên tập của tôi không quá bó buộc thời gian, nhưng những lần kẹt xe, những đợt đi quay và làm việc, ăn uống không điều độ, những bất đồng trong công việc… khiến tôi cảm thấy mệt mỏi.
Và rồi trong 1 năm cùng làm dự án với CD, chúng tôi đối mặt với nhiều áp lực, không chỉ áp lực về kinh tế, mà còn áp lực về hàng xóm, công an phường, toan tính của chủ nhà…
Và trong khoảng thời gian này, chúng tôi nhận ra mình phải tìm một nơi mới thôi.
Nơi đó sẽ là nơi có không khí trong lành hơn, nhiều cây xanh, có biển hay núi càng tốt, và tất nhiên còn phải thuận lợi cho chúng tôi làm việc ở lĩnh vực “du lịch”. Và chúng tôi bắt đầu nghĩ về Hội An một cách nghiêm túc, phân tích ưu nhược, được và mất gì. Về thời tiết, tất nhiên vẫn có những tháng nắng nóng hay mưa gió nhưng không còn quá khắc nghiệt, và so với tình hình không khí ở thành phố 12 triệu dân như Sài Gòn thì Hội An vẫn là lựa chọn ổn hơn. Hội An cũng có tiềm năng phát triển du lịch, gần các cụm điểm du lịch nổi tiếng. Tuy vẫn có những điều tiêu cực khi nhắc đến Hội An, nhưng nhìn chung, so với những vùng du lịch khác ở Việt Nam thì Hội An “đỡ” hơn rất nhiều. Đặc biệt thời gian này ở Hội An đã có nhiều cửa hàng, shop… hạn chế sử dụng đồ nhựa, túi nilong, là một tín hiệu đáng mừng. Các quán cafe sử dụng ống hút tre, cỏ bàng; quán cơm không phục vụ take away bằng hộp nhựa 1 lần sử dụng mà khách mua phải mang camen hoặc hộp đựng riêng để đựng… Người dân nơi đây có đời sống cải thiện là nhờ phát triển du lịch; thì họ sẽ dễ dàng cập nhập xu hướng của thế giới để thu hút khách du lịch hơn nữa. Dù nhận thức về môi trường tăng lên hay mục đích thu hút khách du lịch; thì kết quả chung đều mang hướng tích cực.
Lần thứ ba đến Hội An để tìm hiểu, tôi chọn cách về những vùng xa phố cổ. Cũng chẳng xa gì lắm, tầm 3km thôi. Nhưng đối với dân nơi đây, bán kính ngoài phố cổ 2km là phạm vi gì đó rất xa rồi. Còn với tôi, ôi dào 3km gần xịt ấy mà.
Không ít lần tôi nói chuyện với nhiều khách quốc tế, nơi nào là nơi bạn thích nhất ở Việt Nam. Gần như họ đều trả lời là Hội An. Và đúng, ở lần thứ 3 đến Hội An, khi có thời gian nhiều hơn, tôi đi dạo qua những cánh đồng lúa cứ nối tiếp bất tận (lúc này mới chỉ là lúa non nên chưa thật sự đẹp lắm), tôi đi loanh quanh vườn rau Trà Quế, tắm biển An Bàng, hít thở bầu không khí vương mùi cây cỏ nhiều hơn mùi khói xe. Và tôi bắt đầu nghĩ, mình có thể ở đây! Tôi mở lòng để đón nhận Hội An là nơi mình có thể gắn bó, sống và làm việc tại đây.
Hội An được bạn bè quốc tế biết đến qua hình ảnh “phố cổ” nhưng với tôi, “phố cổ” chỉ là một phần nhỏ tạo nên giá trị nơi đây. Cũng chính vì quẩn quanh ở phố cổ trong hai lần đầu mà tôi đã bỏ sót những nét đẹp bình dị khác. Hội An không khiến mọi người phải “woa” lên sung sướng, hay phải cảm thán bởi những những cảnh đẹp choáng ngợp; tôi nghĩ người ta thích Hội An vì ngoài cái áo “phố cổ” lộng lẫy được khoác lên; nét bình dị, đơn sơ, chân quê ở Hội An mới là thứ kéo chân người khác ở lại, trong đó có tôi.
Mọi thứ dễ thở hơn, không chỉ vì không khí, mà vì lòng người nơi đây khiến cuộc sống nhẹ nhàng hơn rất nhiều!
Biết rằng Hội An đã du lịch hóa, người dân cũng sẽ tính toán, tiền bạc hơn. Một người anh bản địa đã nói với chúng tôi, nhưng người dân ở đây rất biết giữ uy tín, tuyệt nhiên sẽ không dùng chiêu trò để lừa lọc. (Tất nhiên nếu có thì cũng sẽ là con số rất rất nhỏ).
Chúng tôi thuê một phòng trọ nhỏ 25m2, không cần đặt cọc hay giấy tờ gì, chỉ cần trả tiền đầu mỗi tháng là xong, nếu muốn chuyển đi cũng chỉ cần báo trước 5-10 ngày. Hai bác chủ nhà cũng nói chuyện chân thật, tử tế. Xe cộ cũng chỉ để trước cửa phòng không lo bị mất, đi ngoài đường túi xách, điện thoại cứ vô tư cầm không sợ bị cướp giật. Tôi vẫn chưa thể thay đổi sự cẩn thận của mình, nhiều lúc đi ngoài đường vẫn quen tay nhét túi xách vào giữa lòng, hay cầm điện thoại vẫn cầm thật chặt trong tay… Như một thói quen đề phòng mà gần 10 năm ở Sài Gòn dạy tôi những bài học nhớ đời.
Chưa thể nói chúng tôi có thành công với kế hoạch mới hay không. Cũng chưa thể khẳng định rồi chúng tôi sẽ có cuộc sống hạnh phúc như mong đợi. Nhưng ít nhất, nơi đây khiến đầu óc tôi thoải mái hơn rất nhiều.
Hồ Mộng Tiên,
15/01/2020