Nếu các bạn tò mò ghé qua các group như: “Hội cô dâu sắp cưới”, “Hội chia sẻ kinh nghiệm cưới hỏi”, sẽ không lấy làm lạ khi rất nhiều người mệt mỏi vì chuyện cưới xin, thậm chí có trường hợp vì những rườm rà, rắc rối trong khâu tổ chức mà hai bên xảy ra những bất đồng quan điểm, hiểu lầm, rồi đám cưới diễn ra chẳng vui vẻ, trọn vẹn như mong đợi.
“Nhưng kết hôn là chuyện vui mà?” – Đúng là kết hôn là chuyện trọng đại, là ngày vui đặc biệt trong cuộc đời mỗi người. Nhưng nếu may mắn, bạn và người bạn đời cùng quê, cùng phong tục, tập quán thì không sao; chứ đám cưới dù ở Việt Nam nhưng tỉnh này qua tỉnh kia đã khác nhau chút ít rồi, đừng nói chi đám cưới miền Bắc, Trung, hay Nam, ôi đủ thứ rắc rối ấy chứ.
Vậy làm sao để có một đám cưới vui và ý nghĩa?
Chỉ có cách là phải chuẩn bị thật kĩ lưỡng thôi! Mình viết ra series “Cưới đi nè!” để nhớ về khoảng thời gian đặc biệt này, chia sẻ những quan điểm cá nhân về “đám cưới”; và hi vọng có thể giúp ích cho những ai có dự định kết hôn trong thời gian tới. Đặc biệt, gửi lời nhắn thân thương đến vài đứa bạn chưa dám kết hôn của mình: “Cưới đi nè! Đừng sợ, hihi”
- 1: Chọn ngày lành tháng tốt kết hôn, có nên coi thầy?
- 2: Chúng mình tự chọn trang phục cưới ra sao?
- 3: Kinh nghiệm tự chụp hình cưới bằng… chân máy
- 4: “Phát sinh”… là chuyện tất nhiên trong đám cưới
- 5: Đám cưới của bạn hay của gia đình bạn?
- 6: Tổ chức đám cưới cần bao nhiêu tiền?
- 7: Kết: Tất tần tật những thứ cần chuẩn bị cho đám cưới


Part 1: Chọn ngày lành tháng tốt kết hôn, có nên coi thầy?
Muốn kết hôn, có lẽ việc đầu tiên cần làm là chọn ngày. Quan niệm đi coi thầy chọn “ngày lành tháng tốt” cho những việc quan trọng như kết hôn dường như đã quá quen thuộc với người Việt Nam. Nhưng mình thật tình không hiểu tại sao chọn ngày kết hôn lại phải phụ thuộc vào “lời phán” của những ông thầy bà cô nào đó. Thế nào là “lành”, thế nào là “tốt”; rồi chả nhẽ mai mốt hôn nhân có trục trặc gì xảy ra lại đổ thừa do ngày đó chưa lành, tháng đó chưa tốt sao!
Khi tụi mình xác định được khoảng thời gian muốn kết hôn, mình có nói với má, má cứ quyết định ngày cụ thể. Má mình tự mở lịch rồi chọn luôn 2 ngày sẽ tổ chức nhà gái và nhà trai, chẳng nghe ông thầy nào phán hết. “Ngày nào cũng là ngày của trời của Phật” – Má mình nói thế. Bên nhà trai theo đạo Công giáo, thì “ngày nào cũng là ngày của Chúa“, nên ưu tiên cho bên nhà gái quyết định ngày. Thế là tụi mình thống nhất ngày rất nhanh, chẳng có vướng mắc gì cả, ưu tiên thời gian cho anh chị em, bà con về dự. Như đợt rồi, tụi mình tính sẽ tổ chức vào giữa tháng 01/2021, nhưng má mình đề nghị tổ chức sớm một chút cho anh chị, cháu chắt nghỉ lễ cuối năm về dự sẵn ở chơi luôn cho thoải mái. Mà hên sao ngày đó vừa đúng là kỉ niệm quen nhau của hai đứa. Tụi mình thấy quá hợp lý, nên đồng ý luôn.
Sau đó, má đi thông báo cho vài bà con thân thiết, khi biết má ngẫu nhiên chọn ngày trên lịch, hầu hết ai cũng trách sao không đi coi thầy, hôn nhân là chuyện trọng đại cả đời người, có phải chuyện giỡn chơi đâu mà quyết định bừa. Ôi trời, tụi mình quen nhau 6 năm mới quyết định đi đến hôn nhân, có phải một hai ngày đâu mà “bừa”. Thời gian đó, mình hay gọi điện cho má để nói chuyện, động viên, để má đừng bị xao động trước những ý kiến của bà con, họ hàng. Nếu tâm không vững, bị người kia người nọ nói tới nói lui, ít gì cũng ảnh hưởng đến quyết định ban đầu, rồi đâm lo mà nghĩ ngợi nhiều.
Chọn ngày, tháng còn đỡ nha, có người còn chọn chính xác đến giờ, phút nữa kìa. Mà nhiều ông thầy phán chi cái giờ nghiệt ngã lắm, chẳng hạn phải làm lễ gia tiên đúng 4,5 giờ sáng… Rồi cô dâu phải thức dậy từ lúc 1, 2 giờ sáng để trang điểm, làm tóc, mặc váy; kéo theo đó là chuyên viên trang điểm, nhiếp ảnh, quay phim, xe đưa đón… cũng phải đến sớm. Ngày cưới – nhẽ ra đó là ngày để hưởng trọn những giây phút ý nghĩa và hạnh phúc nhất; thì giờ lại biến thành cuộc chạy đua thời gian khốc liệt đến mỏi mệt. Mình biết ai cũng muốn những điều tốt đẹp nhất trong ngày cưới, nhưng đừng chạy theo những thứ mê tín không căn cứ để rồi lại gánh thêm những áp lực vô hình chẳng đáng có.
Lúc mình ngỏ ý mời vài bạn bè về quê sớm để làm phụ dâu, một số bạn hỏi:
– “Ê nhưng thường lễ gia tiên làm sớm lắm đúng không, tui sợ sáng sớm quá lại cập rập!”
– “Làm sớm rồi ai ngủ cho tui!” – Mình nói vui thế.
Mà thật, tổ chức một đám cưới có rất nhiều thứ lỉnh kỉnh phải lo rồi, ngay cả việc ngủ không đủ giấc nữa thì đám cưới có khác gì hành xác đâu. Thế nên, lễ Vu Quy ở quê mình được tổ chức lúc 9 giờ sáng, không quá sớm cũng chẳng quá trễ. Mình ưu tiên ngủ đủ giấc để là một cô dâu xinh đẹp, rạng rỡ; bà con, họ hàng hai bên ở xa tới cũng có thời gian để ngủ nghỉ, ăn sáng đầy đủ, sửa soạn áo váy; để ai đến dự cũng trong tâm trạng phấn khởi, vui vẻ nhất.


p/s: Hình trên là lúc mình thức dậy lúc 6 giờ hơn, ăn uống no nê rồi mới ngồi trang điểm.
Nếu cần phải “xem” những thứ trong tương lai có thể ảnh hưởng đến ngày cưới, điều duy nhất mình thấy nên xem, đó là xem thời tiết thôi! May mắn, hai ngày má của mình chọn tổ chức lại là hai ngày có thời tiết đẹp nhất trong vòng 10 ngày trở lại. Lúc này, nhiều người bà con lại bắt đầu tấm tắc khen, công nhận má mình chọn ngày tốt ghê! Trộm nghĩ, nếu hai ngày đó có chuyện gì không hay xảy ra trong lúc tổ chức, có khi lại bị nhiều người xì xào: “Đó, ai biểu không đi coi ngày!”.
Bởi mới nói, những chuyện tương lai là điều không ai đoán trước được. Hãy chọn ngày cưới mà hai bạn sắp xếp ổn thỏa công việc cá nhân và phù hợp với hoàn cảnh gia đình hai bên. Còn lại chỉ cần sống chân thành, yêu thương nhau thì ngày nào cũng lành, tháng nào cũng tốt cả! Mà giả bộ có trục trặc gì xảy ra thì… lo mà giải quyết thôi, coi như là thử thách mới có được chồng/vợ đúng hông nà, ahihi
Đón đọc phần tiếp theo:
Cưới đi nè! Part 2: Chúng mình tự chọn trang phục cưới ra sao?