Nhóm mình có lịch đi Ấn Độ vào cuối tháng 12/2022. Vì tính chất công việc là freelancer, mình luôn ưu tiên tìm hiểu và đăng ký visa sớm nhất có thể, để lỡ có trục trặc gì còn có hướng giải quyết.
Thế nên mình đăng ký e-Visa Ấn Độ trước ngày khởi hành chuyến đi gần 1 tháng. Và chưa tới 24h kể từ lúc nộp đơn, mình đã có e-Visa của Ấn Độ rồi các bạn ạ, cực kì đơn giản luôn. Trong bài blog này, mình sẽ chia sẻ lại các bước đăng ký một cách chi tiết, một vài điều nhất định phải lưu ý để được cấp visa thuận lợi nhất!
Một số thông tin cơ bản khi đăng ký E-visa Ấn Độ
1. Link đăng ký e-Visa chính thức của LSQ Ấn Độ
Có rất nhiều trang web cố tình giả mạo link đăng ký visa Ấn Độ với mức phí gấp 3-4 lần. Thật ra thì nó giống như là các agency sẽ giúp bạn đăng ký visa vậy, bạn vẫn có được visa nhưng tốn tiền gấp mấy lần. Vì vậy các bạn nhớ truy cập đường link chính xác sau: https://indianvisaonline.gov.in/
2. Nên xin e-Visa Ấn Độ khi nào?
Theo lời khuyên của mình, bạn nên apply visa Ấn Độ từ 10-15 ngày trước chuyến đi. Trong đợt làm visa tháng 12 vừa rồi, 4/5 người nhóm của mình có e-Visa trong vòng 24h, nhưng có 1 bạn gặp trục trặc, tới 7 ngày sau mới có visa. Mình sẽ chia sẻ lý do sau. Thế nên, để tránh những lo lắng không đáng có, bạn nên làm visa sớm. Như mình làm trước gần 1 tháng.
3. Phí làm visa Ấn Độ bao nhiêu?
Tùy vào mục đích và thời gian lưu trú, phí đăng ký e-Visa Ấn Độ sẽ khác nhau. Lịch trình của mình chỉ có 13 ngày và mình chưa có kế hoạch sẽ quay lại, thế nên mình đăng ký 30 ngày là US$25. Nếu bạn yêu thích Ấn Độ và muốn du lịch nhiều lần trong năm thì có thể đăng ký 1 năm ($40), 5 năm ($80$)…
Chuẩn bị gì trước khi điền đơn?
Vì form đăng ký E-visa Ấn Độ cũng khá dài, nên để quá trình nộp visa thuận lợi và nhanh chóng, bạn cần chuẩn bị trước những file sau:
1. Ảnh thẻ background trắng, 2 inch x 2 inch, file JPEG có dung lượng từ 10 KB đến dưới 1MB.
2. Bản scan trang đầu tiên của passport và còn hạn tối thiểu 6 tháng tính từ ngày nhập cảnh: định dạng PDF, dung lượng từ 10 KB đến dưới 300KB.
3. Thẻ visa/mastercard… còn đủ tiền để thanh toán. Mình đăng ký e-Visa 30 ngày và thêm phí giao dịch là 25 + 0,63 = $25,63 (khoảng 640k).
Hướng dẫn điền đơn
Các bạn chọn vào ô chính giữa, là đăng ký e-Visa nha. Đã từng có bạn nhầm click vào ô đầu tiên, là apply cho visa giấy rồi đó.
Trên website đăng kí e-Visa Ấn Độ có đơn mẫu sample form của 7 trang phải điền thông tin, các bạn hãy xem qua một lượt trước khi điền nhé.
Link sample form: https://indianvisaonline.gov.in/evisa/images/SampleForm.pdf
Trang 1:
- Passport Type: chọn loại hộ chiếu của bạn, thông thường thì cứ chọn Ordinary Passport.
- Nationality: chọn quốc tịch của bạn. (mình điền Việt Nam)
- Port of Arrival: chọn nơi đầu tiên bạn nhập cảnh, như mình bay tới New Dehli nên chọn Dehli Airport.
- Date of birth: điền ngày tháng năm sinh của bạn vào.
- Email ID: điền email cá nhân của bạn.
- Re-enter Email ID: điền email giống bên trên nhé.
- Expected day of arrival: là ngày bạn dự kiến đáp Ấn Độ.
- Visa service: mình chọn eTOURIST Visa for 30 days. Khi click vào eTOURIST Visa for 30 days thì thêm bước đánh dấu vào ô mục đích đến Ấn Độ. Mình đi du lịch nên đánh vào ô đầu tiên là Recreation/Sight-seeing (giải trí/tham quan).
- Điền mã đúng như trong ô.
- Đánh dấu “I have read…”
- Continue (qua trang 2 thôi).
Trang 2:
- Surname: bạn điền họ của mình. Như mình là điền “HO”.
- Given name: điền tên đệm và tên riêng, như mình là “MONG TIEN”.
Nếu bạn từng đổi tên thì phải tick thêm vào ô đó và giải trình. - Gender: chọn giới tính
- Town/city of of birth: điền thành phố sinh, như mình thì điền “BINH DINH”.
- Country/region of birth: là nước bạn sinh ra đời, mình điền là “VIET NAM”.
- Citizenship/National Id No: bạn điền số CMND hoặc số căn cước vào
- Religion: chọn đạo. Ai không theo đạo thì chọn “Others” rồi điền thêm “None” vào.
- Educational Qualification: chọn trình độ học vấn của bạn
- Did you acquire nationality by birth or by naturalization?: nếu bạn có quốc tịch Việt Nam từ khi sinh ra thì chọn “By Birth”, còn nếu nhập tịch thì chọn đáp án còn lại.
- Have you lived for at least two years in the country where you are applying visa?: Chọn “Yes” nếu ít nhất 2 năm qua bạn vẫn đang sống ở Việt Nam. Trường hợp của mình là “Yes”.
Phần Passport Details
- Passport Number: số hộ chiếu.
- Date of Issue: ngày cấp hộ chiếu.
- Date of Expiry: ngày hết hạn hộ chiếu.
- Place of Issue: Nơi cấp hộ chiếu. Trong hộ chiếu thường để là “Cục Quản lý xuất nhập cảnh” nhưng các bạn không cần ghi đầy đủ thế này, chỉ cần điền “VIET NAM” là được.
- Nationality mentioned therein: chọn quốc tịch của bạn, “VIET NAM“.
- Any other valid passport/identity certificate: Bạn có hộ chiếu nào khác không? Mình chọn “NO” vì mình chỉ có 1 hộ chiếu với 1 quốc tịch. Phần này chỉ chọn “Yes” khi bạn có 2 quốc tịch với 2 passport.
Trang 3, 4, 5, 6, 7:
Tương tự các trang này hỏi thông tin địa chỉ nhà, tên cha mẹ, tình trạng hôn nhân, một số câu hỏi phụ Yes No đơn giản, up hình, passport lên thôi. Bạn cứ đọc rồi điền theo là được. Những gì cần đặc biệt lưu ý thì mình ghi riêng mục bên dưới.
Lưu ý gì khi điền đơn e-Visa Ấn Độ?
1. Ở phần nghề nghiệp: Tuyệt đối không được điền các lĩnh vực hoạt động báo chí như nhà báo, phóng viên, blogger, nhiếp ảnh, quay phim…
Nghe nói trước dịch, Ấn Độ cũng không quá gắt khi điền nghề nghiệp báo chí; tuy nhiên chắc các bạn cũng biết trong 2 năm dịch vừa qua, đã có quá nhiều bài viết, hình ảnh tiêu cực về Ấn Độ. Đây là lý do mà khi mở cửa du lịch trở lại, chính phủ Ấn Độ không thiện cảm lắm với những người làm lĩnh vực báo chí, media.
Nếu bạn điền nghề nghiệp là báo chí thì có trường hợp sẽ nhận tiếp email hỏi cụ thể lý do đến Ấn Độ; hoặc có trường hợp không cho bạn apply visa online mà bắt buộc phải nộp visa giấy ở LSQ để giải thích lý do.
Trong trường hợp của bạn mình, sau khi lỡ điền nghề nghiệp là Video Editor của 1 công ty Media thì hôm sau nhận ngay một email của LSQ gửi về hỏi rất nhiều câu hỏi về mục đích chuyến đi; đồng thời phải trả lời trong vòng 24 giờ, nếu không sẽ từ chối cấp e-Visa (trong đó có vài câu hỏi gài mà lớ ngớ là bị trượt ngay). May mắn lúc này bản thân mình đã pass visa rồi, bạn chồng mình giải thích rõ ràng, cụ thể là đi với vợ, có số passort là…; đồng thời nhấn mạnh mục đích đơn thuần là du lịch, không thực hiện bất kì bài viết, video nào về Ấn Độ. Mòn mỏi đợt 1 tuần sau thì cũng nhận được visa Granted của Ấn Độ.
Thế nên để an toàn, tránh phiền phức không đáng có thì các bạn cứ chọn lĩnh vực business, buôn bán quần áo gì đó là dễ nhất. Trong trường hợp của mình, mình không dám điền nghề biên tập – biên kịch thật nên chỉ ghi business, bán quần áo. Vậy là pass liền visa nè.
2. Phải đọc đơn thật kĩ trước khi bấm “Confirm”
Sau khi điền hết các thông tin, up hình ảnh các loại, các bạn khoan hãy nhấn “Confirm”, vì khi đó sẽ không sửa thông tin được nữa. Hãy kiểm tra lại 2-3 lần, dò lỗi chính tả, thông tin cho kĩ nha.
Trong trường hợp lỡ bấm “confirm” rồi mà phát hiện ra thông tin sai thì sao? Thì bỏ thôi, chưa thanh toán tiền mà, bạn cứ tạo đơn mới điền lại từ đầu là được. Mình đã bị vậy và điền lại đơn mới không sao cả.
Thanh toán e-visa Ấn Độ như thế nào?
Khi đã chắc chắn các thông tin trong form đúng hoàn toàn, bạn tiến hành bước thanh toán thôi. Có 3 phương thức thanh toán. Nếu có paypal thì bạn trả bằng paypal, còn đơn giản nhất là bạn chọn phương thức thanh toán đầu tiên (đầu tiên tính từ trái qua), sau đó nhập thẻ visa/master card vào và thanh toán như bình thường.
Rồi nếu không có trục trặc gì thì từ 1-3 ngày, bạn sẽ có kết quả visa thôi. Bạn download e-visa file pdf về và in vài bản để dành nhé.
Chúc bạn sẽ có chuyến du lịch Ấn Độ suôn sẻ và lý thú nè!