Bài này không lan man cảm xúc, sẽ cô đọng thông tin cho những ai muốn trekking Nepal cung Annapurna Base Camp (ABC) tự túc.
Hiếm hoi mới có buổi sáng nắng đẹp trời trong, núi tuyết xa xa đẹp tuyệt vời
1. Nên đi vào thời điểm nào?
Bỏ tháng 6,7,8 và nửa đầu tháng 9 là mùa mưa ra; thì gần như bạn chọn trek thời điểm nào cũng được. Thích đi vào mùa Thu, tiết trời ấm áp thì chọn tháng 10-11. Thích ngắm tuyết phủ trắng xóa thì chọn mùa Đông tháng 12 – 02; muốn mùa Xuân hoa nở tưng bừng thì đi vào tháng 03 – 05. Bọn mình chọn đi vào ngày 08/09 – 25/09. Quyết định đi vào cuối mùa mưa, cứ tưởng mưa ít, ai dè mưa sấp mặt, may sao đa phần chỉ là mưa nhỏ.Cứ sáng ra mặc áo mưa, xỏ đôi giày ướt là ai nấy nản dễ sợ, nhiều đoạn mưa to quá, cả nhóm đi mà chả ai buồn nói chuyện, cứ dò dẫm từng bước mong sao mau tới điểm dừng.
Xuất phát vào những ngày mưa thật nản chí anh hùng
Tuy nhiên, thời điểm tụi mình đi vẫn còn trong mùa thấp điểm nên tiết kiệm khá nhiều chi phí, không đông đúc. Nếu như bạn cùng gu, không thích bon chen xô bồ thì nên đi từ giữa tháng 9, sau thời gian của nhóm mình tầm 1 tuần là đẹp.
2. Có nên thuê guide hay porter không?
Tùy sức của bạn. Nếu bạn muốn trek nhẹ nhàng hơn thì có thể thuê guide hoặc porter riêng. Gía năm 2018 mình hỏi là tầm 20 usd 1 ngày với guide. Guide kiêm porter (vác khoảng 10-15kg) là 25 usd 1 ngày. Gía đó là họ tự lo ăn uống, ngủ nghỉ luôn. Còn giá mua tour trọn gói thì mắc hơn nữa, thấp cũng tầm 600 usd cho tour ABC 5 ngày (mình hỏi 1 bạn trek dọc đường gặp). Tuy nhiên, cung ABC không thật sự quá khó, thời gian trek 7-8 ngày nên tụi mình quyết định tự mang vác hết tất cả, book vé máy bay dài ngày hơn một chút để trừ hao.
Cảnh núi non mây trời thiệt làm xao xuyến quá đi mà!
3. Di chuyển ở Nepal
* Di chuyển từ sân bay đến Thamel:
Sân bay Tribhuvan cách trung tâm Kathmandu khoảng 7-8 km, bạn sẽ mất khoảng 500Rs – 700 Rs (100 – 140k). Bọn mình tốn 700 Rs vì lúc tới mưa sml.
Taxi ở đây không có đồng hồ km đâu, tất cả là deal giá, và giá thì rẻ hơn ở Việt Nam. Ví dụ tụi mình di chuyển quãng đường 6-7km tầm 400 Rs thôi (khoảng 80k). Nhóm đi 5 người (nhỏ con nên nhét vừa taxi 4 chỗ), nếu chia ra mỗi lần di chuyển vậy mỗi người có mười mấy ngàn, rẻ chán.
Bàn thêm một chút, xe cộ ở đây toàn hàng cũ và xuống cấp hết rồi. Đường xá bụi bặm kinh khủng khiếp, ổ gà ổ voi đầy đường nên lái xe bên đây thấy cũng cực, deal vừa phải hợp lí là được.
Ở Kathamandu: Tụi mình ở khu Thamel, đại loại như khu phố Tây, tiện mua sắm, ăn uống.
Tại homestay ở Thamel
* Di chuyển bus từ Thamel đến Pokhara:
Để trek Annapurna region, cần di chuyển tới Pokhara trước. Giá bus cho khách du lịch là 7 usd. Xe có máy lạnh. (Nhưng đừng kỳ vọng máy lạnh xịn xò, chỉ như có hơi cho mát vậy thôi. Bus khởi hành vào 7h sáng mỗi ngày. Nên liên hệ mua trước để chọn ghé hàng trên. Nên xin sdt để lúc về nhắn tin đặt chỗ là được, khỏi tốn thời gian lẽo đẽo đi mua. Lúc đi nên ngồi bên phải để dễ ngắm view. Đoạn đường từ Kathmandu về Pokhara chỉ 200km nhưng xe đi khoảng 8-10h. Đường xấu, gồ ghề. Ai đi xe kém nên uống thuốc, chuẩn bị túi bóng các thể loại.
++ Bus tham khảo: Global Vacation Travels & Tour (7 usd/ người)
Cung ABC thường đi từ 5-8 ngày, tùy vào bạn xuất phát ở đâu (vì có những đoạn bạn có thể đi xe bus/jeep tới được, cắt ngắn được 1-2 ngày). Ngoài ra còn tùy thuộc vào sức khỏe, thích nghi độ cao… Bọn mình đi tự túc nên xác định trung bình mỗi ngày đi tầm 10km, mệt thì nghỉ chứ không đua thời gian. Nhóm mình lên kế hoạch đi trong 8 ngày nhưng lúc xuống nhanh hơn dự kiến nên hoàn thành trong 7 ngày. Mình thấy vậy là đủ cho ABC rồi. Các bạn có thể tham khảo plan nhóm mình 7 ngày 70km như sau:
* Ngày 1:
+ Taxi (1hr) Pokhara – Kande 1750m, pass Australian camp (km2, 2050m lunch), trek to Landruk (km12, 1650m). 12km trek. Chi phí taxi: 2000 Rs
* Ngày 2:
+ From Landruk (km12) about ¾ days trek downhill at first to cross the Modi Kosi at New Bridge (km15.5, 1500m) and the Steeply uphill past Jhinu Danda (km18, 1720m) to Chomrong (km20, 2200m). + Bắt đầu uống thuốc sốc độ cao. Có check point acap. 8km trek.
* Ngày 3:
+ Chomrong (km20, 2200m) – about ¾ days trek, Steeply downhill on steps, then steeply uphill to Real Sinua (km23.7, 2350 and then downhill again to Bamboo (km27, 2300).
* Ngày 4:
+ Bamboo (km27, 2300) – ½ day steadily up, to Dovan 1 hour (km29, 2500m) to Himalaya (km32, 2850m) to Deurali (km34, 3160m) — ½ day steadily up 6 hours trek. 7km trek.
* Ngày 5:
Deurali (km34, 3160m) to MBC (km38, 3700m) – — ½ day steadily up. Then, trek to ABC (km41, 4100m) ( 2,5 hours). 8km trek
* Ngày 6:
Ngắm mặt trời mọc và núi tuyết hùng vĩ lúc 6h sáng. back to Deurali (48) to Himalaya (50) 12km trek. Nghỉ ở Bamboo (km55) 15km trek
Trò chuyện với hai mẹ con trekker người Indonesia trên Annapurna Base Camp - Nepal vào năm 2019 (tôi là người thứ hai tính từ trái sang)
* Ngày 7:
Trek từ Bamboo về Ghandruk. 13km trek
Bắt jeep/bus về lại Pokhara. Lời khuyên là các bạn nên đi jeep, giá cao hơn nhưng động cơ xe mạnh hơn, đi nhanh hơn. Trạm jeep cũng gần hơn trạm bus 3km.
++ Giá xe jeep: 6000 Rs 6 người. Nhóm mình 5 người, có một bạn ghép chung nên chia ra trung bình 1000 Rs 1 người. Bạn sẽ có cảm giác phiêu lưu như Fast & Furious, thử thách tinh thần hơn cả lúc trekking. Mình ngồi ngay ghế trước, hưởng trọn những khúc đường quanh co, gập ghềnh; hay mấy lúc vượt qua khúc suối với đoạn đường vừa đủ 1 chiếc xe ngang qua, thiệt đã quá đã. Jeep về tới Pokhara mất khoảng 4h. Rất nể các bác tài Nepal, tinh thần thép và kĩ năng tuyệt vời.
5. Chi phí trekking?
– Thủ tục làm visa: Làm visa trả tiền tại sân bay, rất đơn giản. Có các máy cho bạn điền thông tin cá nhân và máy quét chụp hình. Bạn cũng chả cần mang theo hình thẻ chi hết. Visa 15 ngày: 30 usd
– Thủ tục làm permit leo núi: Mình làm ở Pokhara luôn, khá nhanh. Bạn cũng chẳng cần chuẩn bị hình thẻ gì đâu. Ở đây có dịch vụ chụp hình lấy liền FREE nhé. Chi phí cho permit tất cả: 5000 Rs
– Khách sạn ở Kathmandu và Pokhara: Trung bình 5-6 usd 1 ngày bao ăn sáng.
– Giá thuê đồ trekking: + Áo khoác: 20k 1 ngày + Túi ngủ: 20k 1 ngày + Gậy: 10k 1 ngày
– Ăn uống ở Kathmandu và Pokhara: Gía khá rẻ, trung bình 30 – 80k/bữa/người ăn uống thoải mái. Chỉ có uống bia là mắc thôi, tầm 70k chai 500ml.
– Ăn uống trên núi: Càng lên cao càng mắc. Một dĩa cơm trắng trên núi ở ABC có giá 90,000 tiền Việt. Một tô mì gói giá 120,000. Nói chung càng lên cao càng mắc. Tụi mình đi đông share ra nên tốn trung bình một ngày 250-300,000.
– Ở tea house: Tụi mình không tốn tiền. Lý do: Tụi mình đi vào mùa thấp điểm, khá vắng người. Lúc nào tụi mình cũng deal: Ở free và sẽ ăn tối và ăn sáng ở tea house. Còn nếu bạn thuê thì giá cũng khá rẻ, tầm 1-2 usd thôi.
Một bữa ăn thịnh soạn của tea house
Gợi ý:
++ Hostel tham khảo ở Thamel:8848 Hostel: Mới, sạch sẽ, giá dorm 5 usd/người bao ăn sáng ngon lành cành đào.
++ Hostel tham khảo ở Pokhara: Kiwi backpackerHostel (5-usd bao ăn sáng siêu ngon, chủ hostel thân thiện, tư vấn nhiệt tình. Nên book trước qua Agoda/Booking vì chỗ này thường xuyên full phòng); Love & Light (80-90k 1 dorm, không bao ăn sáng. Rất mới, sạch sẽ)
6. Chơi gì ở Pokhara:
– World peace pagoda:Bạn phải đi thuyền hoặc taxi tới, sau đó trek tầm 3km mới lên được chùa. Trước khi chính thức trek ABC thì nhóm mình khởi động bằng việc đi chùa này. Rất nên đi.
– Gorkha Memorial Museum: Tìm hiểu về lính đánh thuê Gurkha nổi tiếng, được quân đội Anh dùng trong các cuộc chiến. (giá vé: 250 Rs, taxi từ Pokhara đến đây khoảng 400 Rs) Một bài viết về Gurkha trên báo Thanh Niên: https://thanhnien.vn/thoi-su/phong-su-dieu-tra/bi-an-linh-gurkha-543718.html
– International Mountain Museum: Tìm hiểu về các đỉnh núi cao nhất thế giới, thông tin về những người chinh phục… (giá vé: 500 Rs, taxi từ Pokhara khoảng 300 Rs)
7. Chơi gì ở Kathmandu:
Kathmandu nổi tiếng với đền, chùa được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Bạn nên dành 1 ngày để đi loanh quanh những khu đền, chùa này. Tuy nhiên, nhiều tòa nhà cấu trúc có giá trị lịch sử vô cùng quý giá ở thung lũng Kathmandu đã bị sụp đổ trong một trận động đất kinh hoàng vào năm 2015, nên có nhiều nơi đang tu sửa. Tụi mình chỉ đi 1 vài địa điểm.
– Buddha Stupa: Bảo tháp Phật giáo Boudha Stupa thống trị đường chân trời; nó là một trong những bảo tháp lớn nhất thế giới. Bao quanh bảo tháp là hàng loạt cửa hàng mua sắm, buôn bán, quán ăn, nhà hàng… Gía vé: 400 Rs
– Nếu có thời gian, bạn có thể đi Durbar Square: Quảng trường của các hoàng cung (Kathmandu Durbar) – hơn 40 đền đài được xây dựng từ thế kỷ 12 tới thế kỷ 18, là nơi các vị vua của vương quốc Nepal đăng quang và tại vị cho tới thế kỷ 20. Tuy nhiên, chắc 1/2 là đang sửa chữa. Giá vé khá cao nên tụi mình chỉ đi ngó nghiêng bên ngoài và vài nơi nhỏ nhỏ không tốn phía ngoài quảng trường thôi. Giá vé: 1000 Rs
Kathmandu bụi và lộn xộn kinh khủng, ra ngoài đường vài phút là cơ thể ngột ngạt, khó chịu. Tụi mình không thể enjoy được. Bạn nên dành nhiều thời gian ở Pokhara hơn, không khí trong lành, thoải mái. Ở Kathmandu 1 ngày tham quan 1-2 đền/chùa, tối đi dạo Thamel là đủ rồi.
Đường sá ở Pokhara sạch sẽ, dễ thương. Không khí trong lành.
8. Ăn gì ở Nepal:
Các món ăn ở Nepal khá khác khẩu vị Việt Nam, tụi mình ăn riết trong 15 ngày thấy ngán luôn, nhưng có nhiều lựa chọn chứ không phải chỉ có “cà ri”. Menu trên núi và dưới núi gần như giống nhau, chỉ khác là giá tiền trên núi gấp 3-6 lần dưới núi. Các món cơ bản: + Momo: Rất phổ biến ở Nepal. Một loại bánh khá giống bánh bao nhỏ nhỏ với phần nhân có chứa rau cùng nhiều thịt trước khi đem chiên hoặc đem hấp. Dưới núi giá khoảng 24 – 30k 1 dĩa 10 cái.
+ Cơm truyền thống Dal Bhat: Cơm cùng với đậu lăng được ăn kèm bởi các món ăn phụ khác nhau. Món ăn kèm có thể là dưa chua, măng, món cà ri, thịt hoặc cá… Nên thử cho biết. Gía khoảng 30 – 40k 1 phần 1 người ăn là no nê luôn.
+ Naan: giống như một loại bánh mì, thức ăn rất phổ biến, có nhiều loại, có thể ăn kèm với cà ry. + Phở nóng Thukpa: Có nhiều loại, rau hay thịt gà/trâu… Khá dễ ăn. + Trà sữa: Siêu rẻ siêu ngon. Ở dưới núi khoảng 5 – 10k 1 ly trà sữa nóng à. Gần như bữa ăn nào tụi mình cũng kêu 1-2 ly. Trên núi khoảng 25k 1 ly nhưng không ngon bằng.
9. Chuẩn bị gì trước khi đi trekking Nepal:
– Mua bảo hiểm: Không biết sẽ có chuyện gì xảy ra đâu, nhiều người bình thường khỏe như voi, lên núi bị sốc độ cao phải thuê helicopter bay xuống núi tốn cả mớ tiền.
Tụi mình mua bảo hiểm AIG 15 ngày, giá khoảng 600k 1 người.
– Chuẩn bị đồ ăn: + Trekking lâu ngày, bạn nên chuẩn bị một số đồ thân quen và nhiều năng lượng. Ở Việt Nam, tụi mình mang theo ít đồ khô: dăm bông, tép, granola, canh tôm rong biển gói.
+ Snack: Mua tại cửa hàng ở khu Thamel: Kitkat vừa nhẹ vừa bổ sung năng lượng tuyệt vời. Nhóm mình 5 người mua tầm 30 thanh kitkat và 10 thanh năng lượng, xuống núi vẫn còn dư vài kitkat.
+ Mang theo trà gói, socola gói uống cho ấm bụng, chuẩn bị thêm điện giải.
– Chuẩn bị quần áo: Có thể mua ở Việt Nam hay qua Nepal mua đều được, giá mua ở Nepal còn rẻ hơn ở VN. Nên chuẩn bị:
+ Áo/Quần nỉ dài giữ ấm. Áo khoác dày và túi ngủ nên thuê ở Pokhara.
+ Quần trek: 2
+ Áo thun tầm 3-4 cái (nhanh khô, thấm mồ hôi)
+ Khăn choàng mỏng (30-50k mua nepal)
+ Găng tay, mũ len, tất len giữ ấm (có thể mua kathmandu 30-40k)
+ Mũ che nắng
+ Một giày sandals tốt: Mình mua ở Decathlon, tầm 600k, dùng rất ổn.
+ Một giày trek: giày trek rất quan trọng. Nếu có điều kiện thì nên mua giày cổ cao, loại tốt một chút. Nên tập đi tầm 1 tháng trước đó cho quen chân. Đợt này mình sắm đôi giày không phù hợp cho lắm, không bám tốt, lúc trek lại chưa quen giày nên lúc về bị phù gót chân, đi cà nhắc mất cả tuần.
+ Balo: Một balo tốt, phù hợp với vai, độ dài lưng của bạn sẽ giúp bạn cực kì nhiều trong chuyến trek dài ngày. Đừng tiếc tiền cho balo.
– Chuẩn bị vật dụng khác:
+ Thuốc: Thuốc hạ sốt, Thuốc Berberin đặc trị tào tháo đuổi, thuốc trị táo bón, C sủi, Salonpas dạng dán, Urgo, băng gạc và đồ sát khuẩn, Miếng dán nhiệt, dầu gió.
+ Kem chống nắng, kính mát (càng lên cao càng chói nên phải có kính mát nhé).
+ Sạc dự phòng: Trên núi mỗi lần sạc đều tính tiền khoảng 200 Rs (40k), nên chuẩn bị sạc dự phòng vừa đủ. Mình dùng điện thoại 2 ngày mới sạc một lần.
+ Nước rửa tay khô, Khăn giấy, Giấy vệ sinh, Khăn tắm, Bình giữ nhiệt…
+ Viên lọc nước. Nước trên cao mắc lắm, bọn mình mua viên lọc nước rồi hứng nước suối, lọc tầm 30 phút là có nước uống. Chẳng ai trong nhóm bị đau bụng cả nên mí bạn cứ yên tâm dùng.
+ Thuốc chống sốc độ cao Diamox 250mg: mua ở Kathamndu hoặc Pokhara đều có. 20 Viên tầm 500 Npr (Khoảng 100k) dùng thoải mái cho 4 người trong chuyến trek, thuốc cũng có bán tại Việt Nam. Thuốc này uống vào tối ngày thứ 2 ở trên núi. Nên bắt đầu uống từ Chhomorong 2000m là đẹp. Cứ sau 12 tiếng làm một viên. Uống cho đến khi hết 5 viên mỗi người là ok.
– Chuẩn bị thể lực:
Lúc xem một số clip trên youtube, mình hơi chủ quan vì thấy đường đi không khó bằng những núi ở VN đã đi. Tuy nhiên, đi rồi mới biết, việc trekking đường dài mất sức kinh khủng. Đặc biệt, tụi mình chọn đi vào mùa thấp điểm, gặp nhiều trở ngại về thời tiết. Có nhiều bữa tới nơi là mệt lả cả người, ướt bên trong vì mồ hôi, ướt bên ngoài vì nước mưa, ngồi co ro cúm rúm đến thảm.
Vì thế, để có thể tự trek mà vẫn enjoy cảnh núi non Hymalayas hùng vĩ, các bạn nhất định phải tập thể lực thật nghiêm túc trước khi đi 2-3 tháng.
+ Tập chạy bộ:Cách giúp bạn nâng thể lực hiệu quả nhất. Nên chạy 1 tuần 3-4 lần, mỗi lần 5-6km.
+ Tập vác balo leo cầu thang: Có những đoạn dốc cứ lên mãi chả nhìn thấy đỉnh đâu.
+ Tập các bộ môn khác để điều hòa hơi thở:Bơi, yoga… Càng lên cao không khí càng loãng, chú trọng hơi thở là cách giúp bạn vượt qua những con dốc ngút ngàn.
10. Tổng chi phí chuyến đi:
– Vé máy bay khứ hồi: 6,9 triệu. Mình mua 2 chặng, Airasia qua Thái Lan, Thái lion air qua Kathmandu.
– Bảo hiểm 15 ngày AIG: 600,000
– Visa 15 ngày Nepal: 30 USD (khoảng 700,000)
– Giấy phép leo núi: 5000 Rs (khoảng 1 triệu)
– Ăn uống 7 ngày trên núi: 300,000 x 7 = 2,100,000
– Ăn uống 8 ngày ở Kathmandu và Pokhara: 200,000 x 8 = 1,600,000 (đã bao gồm cà phê cà pháo, ăn vặt, trái cây các loại vì buổi sáng là ăn ở hostel rồi, chỉ tốn ăn trưa và ăn tối). Cái này là ăn uống thoải mái luôn ấy.