Mình tin bất cứ ai đều hiểu “Deadline” có nghĩa là hạn chót để hoàn thành một công việc hay là ngày cuối để bàn giao một sản phẩm nào đó. Nhưng sự thật không phải ai cũng đánh giá đúng và đủ về tầm quan trọng của từ này. Thôi thì mình sẽ viết vài bài, kể dăm ba chuyện Deadline cho nhau nghe nha!
Deadline thể hiện uy tín cá nhân của bạn
Mình đi làm và cộng tác với nhiều nơi từ thời sinh viên, may mắn được vài đàn anh, đàn chị chỉ dẫn nhiệt tình về nghiệp vụ chuyên môn. Nhưng có lẽ điều mà mình trân trọng hơn cả, đó là mình tiếp nhận những bài học về thái độ, trách nhiệm đối với công việc. Dù đó là cái tin cỏn con vài chục giây hay một dự án to bự kéo dài vài tháng, nửa năm, tất cả đều phải làm thật tốt và đúng deadline.
Mình nghỉ việc full time được gần hai năm để chính thức trở thành một người làm việc tự do và độc lập. Buồn vui thì nhiều lắm, mình sẽ kể ở một series nhiều tập trong những bài viết tiếp theo. Khoảng thời gian gần hai năm không dài nhưng cũng chẳng ngắn, đủ về mình trải nghiệm từ Deadline quan trọng như thế nào.
Đi làm công ty, thỉnh thoảng bạn còn nài nỉ sếp, hôm nay bị bệnh, nhà có việc đột xuất,… để dời deadline vài ba hôm. Làm việc bao năm, sếp thương tình gật đầu cái rụp, còn dặn dò em về nghỉ ngơi nghen. Nhưng bạn biết không, làm tự do tự chủ được thời gian, nhưng cái gì cũng có cái giá của nó. “Lý do” dù hợp lý cỡ nào cũng là điều không được phép nhắc đến để trì hoãn công việc đã nhận. Từng deadline khi đã thỏa thuận với khách hàng đều phải hoàn thành trước hoặc đúng hạn bằng mọi giá dù bạn có muôn vàn lý do. Bởi chỉ cần lệch vài tiếng thôi, bạn đã đánh mất uy tín của chính mình. Và giữa thời lực lượng freelancer ngày càng đông đảo, trẻ hóa… như hiện nay, việc trễ deadline với khách hàng chính là tự đánh mất công việc của mình.
Mọi lần làm tốt không ai nhớ, một lần trễ hẹn chẳng ai quên.
Đùa thôi,… nhưng là thật đó. Bạn có thể làm tốt rất nhiều lần trước đó, nhưng chỉ cần một, hai lần trễ deadline là bị dán mác “mất uy tín” ngay. Đó cũng là lý do khi thỏa thuận deadline, mình luôn cân nhắc, xem xét công việc rất kĩ lưỡng trong khả năng của bản thân, tính toán cả các phát sinh có thể xảy ra để hoàn thành đúng hoặc trước hạn khách hàng mong muốn.
Hôm nay mình vừa nhận một chiếc job nhỏ khá gấp của một khách hàng quen. Và bạn ấy chấp nhận giá cao hơn hẳn budget đặt ra, chỉ cần mình đảm bảo deadline là được. Không phải ngẫu nhiên những chiếc job gấp, bạn lại nhớ đến mình. Đó là cả một quá trình cộng tác trước đó luôn hoàn thành công việc đúng hoặc sớm hơn yêu cầu. Và khi có những công việc quan trọng, khách hàng sẽ nhớ đến mình đầu tiên như một sự đảm bảo và chắc chắn.
Bởi thế, hãy cứ tuân thủ deadline, xây dựng uy tín của bản thân; thì mình tin bạn sẽ nhận được sự tin tưởng của bất kì vị khách khó tính nào!

Đừng đợi Deadline gõ cửa
“Còn tới hai ngày mà!”
“Ôi việc dễ ấy mà, từ từ làm.”
Bạn có bao giờ có những ý nghĩ đó chưa? Khi nhận công việc sếp giao, bạn hay có thói quen “đợi”. (Đợi chờ là hạnh phúc là vậy). Bạn “đợi” đến những ngày cuối cùng rồi mới bắt đầu vắt chân lên cổ mà làm; mặc dù những ngày trước đó bạn vẫn còn thư thả cafe cùng bạn bè. Bạn đợi đúng cái hẹn gọi là deadline mới gửi vội cái email sản phẩm mà bản thân bạn còn chưa thật sự hài lòng. Và khi nhận được những feedback không tốt của sếp hay khách hàng, bạn lại cảm giác tiếc, ước như lúc đó mình có thêm vài tiếng để hoàn thành một cách trọn vẹn hơn.
Deadline có nghĩa là hạn chót, nhưng không phải cứ vịn vào nó mà tự thưởng cho bản thân những thời gian nghỉ ngơi trước đó. Nếu có việc, hãy hoàn thành, trước cả deadline, để đảm bảo chất lượng công việc và những thứ có thể phát sinh.
Mình từng nghe một ý kiến thế này: “Tôi chưa hoàn thành kịp vì tôi chưa cảm thấy ưng ý. Tôi quan trọng chất lượng hơn deadline.”
Đó là câu biện minh cho lý do trễ deadline của một cô bạn mình biết. Bạn ấy làm việc khá tốt về mặt nội dung nhưng có điều… lúc nào cũng trễ deadline với lý do, đại loại cảm hứng chưa đến, cảm xúc chưa đủ để viết bài.
Và sau đó, mình không còn hợp tác chung với bạn ấy nữa vì trái ngược về quan điểm. Tại sao đảm bảo chất lượng lại không thể đảm bảo về deadline? Trong khi “hạn chót” ấy là sự thỏa thuận của hai bên, không hề ép buộc gì nhau.
Đừng đợi deadline gõ cửa, dí ngay tận cổ để rồi bạn phải làm trong vội vã.
Cũng đừng ngụy biện cho những lần trễ deadline bằng lý do cần cảm hứng, cảm xúc…
Đó là những kinh nghiệm liên quan đến deadline mà chính bản thân mình có đôi lần mắc phải. Ví như ngày trước mình hay làm việc buổi tối đến đêm cũng chỉ vì đợi… có cảm hứng. Không ít bạn bè mình là dân viết lách cũng có thói quen chẳng mấy lành mạnh như thế. Mình chưa thể khẳng định làm việc buổi tối, sáng hay chiều hiệu quả hơn, nhưng kết quả của việc thức khuya thì chắc các bạn ai cũng hiểu rõ. Cảm hứng, đại loại cũng chỉ là lý do để chúng ta bắt đầu làm việc. Mình không phủ nhận tầm quan trọng của cảm hứng, nhưng đừng đợi cảm hứng một cách thụ động, bạn có thể tự tạo niềm vui thích bằng nhiều cách khác nhau mà!
Do đó tới thời điểm hiện tại, với mình, trễ deadline là trễ deadline. Đó là sự thiếu chuyên nghiệp trong công việc. Đơn giản vậy thôi!
À, hôm nay mình kể chuyện Deadline đến đây thôi, hẹn các bạn bài viết sau nha. Nếu các bạn có mẩu chuyện vui/buồn gì về deadline của chính bạn, chia sẻ với mình nha.
Còn giờ mình có deadline rồi!